Các chuyên gia cho biết việc thay khí đốt của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đã khiến hệ thống năng lượng của EU gặp rủi ro lớn về an ninh.
Mới chỉ xuất khẩu đá phiến vào năm 2016, Mỹ hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho EU sau Na Uy. Năm 2023, nước này đã dẫn đầu thế giới về xuất khẩu LNG.
Nhiều quốc gia EU đã tăng đáng kể việc mua LNG vào năm 2023 sau khi lưu lượng khí đốt qua đường ống từ Nga giảm do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022.
Ira Joseph, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, Đại học Columbia, cho biết: “Châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc LNG của Mỹ nếu lượng khí đốt từ Nga không quay trở lại và Qatar không gia nhập cuộc chiến tranh giành thị phần. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây trong chính sách của Washington có thể khiến EU đối diện rủi ro lớn”.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tạm dừng phê duyệt các đơn đăng ký xuất khẩu LNG, bao gồm cả đơn đang chờ xử lý, với lý do lo ngại về biến đổi khí hậu. Việc tạm dừng cho phép Bộ Năng lượng nước này cập nhật thêm các hướng dẫn về kinh tế và môi trường được sử dụng khi phê duyệt giấy phép xuất khẩu mới.
Mặc dù Nhà Trắng đã từng cam kết với Brussels sẽ nhanh chóng xem xét các đơn đăng ký xuất khẩu mới sau khi khối này chọn bỏ nguồn cung năng lượng từ Nga, Giám đốc điều hành của LNG Allies Fred Hutchison nhận định ông Biden khó có thể đảm bảo cam kết này tiếp tục được thực hiện, viện dẫn một vài chi tiết trong thông báo ngừng phê duyệt xuất khẩu LNG của người đứng đầu Nhà Trắng.
Trong khi đó, nhà phân tích khí đốt David Seduski của Energy Aspects tin rằng việc tạm dừng có thể bị hủy bỏ nếu đảng Cộng hòa nắm thế chủ động tại Nhà Trắng.
“Đây có thể là một đợt tạm dừng vì mục đích chính trị, nhằm xoa dịu dư luận của ông Biden trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng việc ngừng phê duyệt sẽ diễn ra dài hơn khiến nguồn cung LNG của châu Âu bị gián đoạn” – ông cho biết.
Một quan chức EU lại đưa ra những nhận định lạc quan hơn về sự phụ thuộc ngày càng tăng của khối vào lượng LNG của Mỹ, do hai bên không có những rủi ro địa chính trị tương tự như mâu thuẫn với Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn nhấn mạnh những thách thức tiềm ấn phía trước. Jonty Shepard, phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh và sản xuất LNG toàn cầu của BP – một công ty dầu khí có trụ sở tại London, Anh, trước đây đã từng cảnh báo rằng sự phụ thuộc vào Mỹ về lâu dài sẽ làm phát sinh rủi ro lớn cho toàn bộ khu vực.