Cháy, nổ quán karaoke: Hiểm họa đã vượt qua ngưỡng báo động

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hậu quả tang thương từ những vụ cháy, nổ các quán karaoke để lại đang gây rúng động dư luận. Mới đây, số người chết tại vụ cháy quán karaoke ở tỉnh Bình Dương lên đến 32 người khiến cả xã hội bàng hoàng.

Vụ việc tiếp tục nối dài danh sách các vụ cháy lớn tại quán karaoke, vũ trường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… Việc cần kíp hiện nay, không chỉ dừng ở mức cảnh báo mà cơ quan chức năng, toàn xã hội cần có những biện pháp cứng rắn, nếu không thảm họa cháy, nổ sẽ lại tái diễn.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú, Bình Dương. Ảnh: Duy Anh
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú, Bình Dương. Ảnh: Duy Anh

Những “điểm chết” của quán karaoke

Về vụ cháy quán karaoke An Phú, theo Công an tỉnh Bình Dương, tổng diện tích cháy khoảng 400m2, lửa bùng phát tại khu vực tầng 2 và tầng 3 của cơ sở. Chất cháy chủ yếu là vải, mút xốp, gỗ... Đám cháy đã khiến 32 người chết tại hiện trường. Với tính chất vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, đồng thời tiến hành trưng cầu giám định; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường để làm rõ vấn đề, điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của cơ sở.

 

Kinh doanh karaoke là ngành nghề có điều kiện, phải bảo đảm điều kiện về PCCC. Vì vậy, phải xem xét lại quy trình cấp phép đã thực sự đảm bảo chưa, hiệu quả chưa. Có thể những quy định hiện giờ không còn phù hợp, phải rà lại các tiêu chí, tiêu chuẩn xem đã tuyệt đối an toàn chưa, đảm bảo chưa. Bên cạnh đó, cần tính toán, có quy định PCCC nghiêm ngặt hơn, cao hơn đối với cơ sở karaoke…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ

Trước hàng loạt những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các chuyên gia về lĩnh vực PCCC đánh giá hiểm họa cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke còn nhiều bất cập, đồng thời chỉ ra những “điểm chết” luôn tiềm ẩn. Theo đó, hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh tại các cơ sở không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện. Nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện, quá tải điện là rất cao… Với đặc thù kết cấu không gian kín, các cầu thang bộ, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại ngóc ngách, tối tăm. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy không đảm bảo số lối ra thoát nạn.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke đều là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy. Việc gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở việc tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang để cứu nạn và chữa cháy…

Khi xảy cháy cơ sở karaoke là cháy công trình, không gian kín; cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) làm nhiệm vụ luôn phải đối mặt trực tiếp với nhiều nguy hiểm như: Các yếu tố sập đổ công trình, nguồn nhiệt cao đột ngột của ngọn lửa, thiếu oxy. Khi gặp tình huống này, mức độ nguy hiểm cho tính mạng của những người làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH rất cao như vụ cháy tại Cầu Giấy khiến 3 chiến sĩ đã hy sinh.

Hiện trường chữa cháy quán karaoke tại Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hiện trường chữa cháy quán karaoke tại Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cần kíp những biện pháp mạnh

Sau vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke… Thực hiện chỉ đạo, hiện nay trên toàn quốc, các tỉnh, TP, địa phương đang ráo riết chỉ đạo tổng kiểm tra về an toàn PCCC ở các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar.

 

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, sau đợt cao điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke (kết thúc vào ngày 20/9), cơ quan này sẽ tổng hợp, rà soát các cơ sở vi phạm chưa khắc phục, gửi danh sách tới cơ quan truyền thông đăng tải công khai để người dân cùng giám sát. Quan điểm của lực lượng Công an TP là cương quyết xử lý các quán karaoke vi phạm. Công an TP cũng phối hợp với chính quyền địa phương để giám sát các cơ sở bị đình chỉ.

Tại Bình Dương, theo Công an tỉnh này, ngoài kiểm tra, lực lượng thi hành nhiệm vụ đã tuyên truyền vận động các chủ cơ sở không ngừng cảnh giác, chấp hành nghiêm pháp luật, không để hậu quả đáng tiếc do hỏa hoạn gây ra… Các địa phương đã xử lý 24 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn PCCC&CNCH, xử phạt hành chính 21 cơ sở với tổng số tiền trên 250 triệu đồng… Ở TP Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đang tiến hành kiểm tra an toàn về công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn theo kế hoạch từ ngày 17/8 đến ngày 15/9.

Tại Hà Nội, ngày 9/9, Công an TP Hà Nội cho biết, nhằm kiểm soát chặt hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke để hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy, Công an TP đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC loại hình dịch vụ kinh doanh này. Hiện trên địa bàn TP có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke.

Trong đó, có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC. Trong số này có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Có 326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác PCCC nhưng không có khả năng khắc phục, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã ra quyết định đình chỉ 100% các cơ sở này. Đồng thời, các cơ sở này sẽ bị công khai tên, địa chỉ để người dân cùng giám sát. Lực lượng chức năng đặt ra mục tiêu là kiểm tra 100% các quán karaoke, giám sát chặt các cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động. Tính từ giữa tháng 8 đến nay, các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội đã tạm đình chỉ 27 cơ sở, phạt 1 tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hàng năm, cơ quan này đều có kế hoạch phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra việc chấp hành quy định về PCCC tại các quán karaoke. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp không chấp hành nghiêm quy định. Cụ thể, không đủ điều kiện về PCCC nhưng vẫn lén lút hoạt động. Đối với các quán karaoke không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC, lực lượng Công an TP sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện ra quyết định chấm dứt hoạt động. Lực lượng chức năng tốn rất nhiều nhân lực đi giám sát các cơ sở này.

“Vì lợi nhuận nên họ vẫn lén lút hoạt động, thậm chí có một số cơ sở đang sửa chữa vẫn hoạt động chui. Bộ Công an và TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, quy trách nhiệm từng tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm về PCCC”- Phó Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định.

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, các đơn vị, DN trên địa bàn TP thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022, chỉ đạo của T.Ư và TP; khẩn trương, tích cực hoàn thành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường… trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; quyết liệt xử lý nghiêm, triệt để tất các vi phạm theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 2645/UBND-NC ngày 16/8/2022 đảm bảo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo tổ chức giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện về PCCC theo quy định. Trường hợp để xảy ra việc cơ sở kinh doanh cố tình đưa vào hoạt động, yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có biện pháp mạnh theo quy định pháp luật, đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP…