Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách đãi ngộ người tài phải cụ thể

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/7, tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Không nên giảm đại biểu dân cử chuyên trách

Vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm khi thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đề xuất liên quan đến việc giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Không đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: Hiện chúng ta đang tiến hành Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND. Nếu giảm sẽ khó tăng cường chất lượng HĐND, bởi hiệu quả HĐND chính là dựa vào hoạt động của các Ban của HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, muốn nâng cao chất lượng cơ quan dân cử cần tăng cường đại biểu chuyên trách cả Quốc hội lẫn HĐND. Nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử cũng là để kiểm soát quyền lực, do đó cần cụ thể hóa để báo cáo lại T.Ư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với ý kiến cho rằng 2 Phó Chủ tịch HĐND làm tăng biên chế là không đúng. HĐND tỉnh có một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và một Ủy viên Thường trực. Tuy nhiên, về sau muốn HĐND mạnh lên nên mới đưa một Ủy viên Thường trực lên thành Phó Chủ tịch, việc đề xuất giảm là không có cơ sở. “HĐND các tỉnh đều đề nghị không giảm. Do đó, cấp huyện có thể giảm nhưng ở cấp tỉnh cần cân nhắc”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Sử dụng người tài năng đúng sở trường

Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTV Quốc hội là chính sách đối với người có tài năng. Nhưng để chọn được người có tài năng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, phải quan tâm đến vấn đề liên thông từ viên chức lên công chức.

Bởi đó là vấn đề quan trọng để chọn được người tốt, người tài năng, người có đạo đức vào làm việc cho bộ máy Nhà nước. “Hiệu trưởng một trường là viên chức có chuyển sang làm Giám đốc sở, ngành được không? Nếu chúng ta không liên thông thì không thu hút được người tài”- Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho hay. Đồng thời nhấn mạnh: Chọn người làm lãnh đạo không nên cứng nhắc là công chức, viên chức hay bất kỳ ai.

Các ý kiến cho rằng, người tài năng là những sinh viên xuất sắc tại các trường nhưng trường cũng nhiều loại hình. Học sinh trung bình của trường này có khi còn giỏi hơn nhiều lần học sinh giỏi trường khác. Do đó, đánh giá người có tài năng cũng phải phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, muốn thu hút người có tài năng cần quan tâm đến chính sách chính đáng, tránh chung chung. Đồng thời đối với người có tài năng cần bố trí công việc đúng với chuyên môn của họ, không nên sau khi phát hiện ra rồi, cho đi đào tạo mà khi về lại cho làm việc khác là lãng phí.

Cho rằng “cả luật không nêu trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong thu hút người tài”, Trưởng ban Dân nguyện đề nghị: Nên quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong tuyển chọn người tài, bố trí sử dụng người tài. Việc liên quan đến vấn đề liên thông viên chức lên công chức, cũng phải “mềm dẻo” chứ không nên ràng buộc quá nhiều quy định.