Theo nhận định của HĐXX, ngày 19/3/2018, bị cáo Phạm Duy Hùng mua lại quán Karaoke ISIS ở phố Quan Hoa (Hà Nội) để kinh doanh karaoke. Đến tháng 2/2022, Hùng đã thuê người cải tạo, cơi nới thêm 2 phòng tại tầng 7 của ngôi nhà bằng khung sắt, quây tôn, mái tôn, trần thạch cao, gắn các lớp cách âm, lắp đặt toàn bộ hệ thống điện, điều hòa và trang trí để phục vụ cho việc kinh doanh hát karaoke mà không thông báo chính quyền địa phương.
Việc sửa chữa, cơi nới, cải tạo đến hết tháng 4/2022 là hoàn thiện. Từ ngày 1/5/2022, Hùng bắt đầu sử dụng phòng 702 vào làm phòng hát và phòng 701 còn lại tạm thời sử dụng làm nhà kho.
Theo HĐXX, bị cáo Hùng là người trưởng thành và có đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Bị cáo biết phải được cấp có thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thì mới đủ một trong các điều kiện để hoạt động. Trên thực tế, bị cáo đã gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và xin thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, dù chưa được cấp phép nhưng bị cáo vẫn cố tình hoạt động kinh doanh.
Trưa ngày 1/8/2022, do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bên trong dàn lạnh điều hòa tại phòng hát 702 thuộc tầng 7 làm cháy lớp vỏ cách điện. Sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến cháy toàn bộ quán Karaoke ISIS. Quá trình chữa cháy và cứu nạn tại quán Karaoke ISIS, anh Đặng Anh Quân cùng anh Đỗ Đức Việt và anh Nguyễn Đình Phúc là cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an quận Cầu Giấy) đã hy sinh.
HĐXX nhận định, hành vi của Hùng phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cáo trạng truy tố bị cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn thừa nhận, ăn năn hối cải về hành vi của mình.
Bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Theo HĐXX, dù đã được xóa án tích nhưng cũng thể hiện bị cáo có nhân thân xấu. Tuy nhiên, bị cáo ăn năn hối cải, tích cực bồi thường, bố bị cáo tham gia quân đội, bị nhiễm chất độc màu da cam. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hùng mức án từ 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy”.
Về phần bồi thường, khi 3 chiến sỹ hy sinh, Công an quận Cầu Giấy và Công an Hà Nội đã hỗ trợ thực hiện mai táng với chi phí 334 triệu đồng. Do hai đơn vị này không yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên HĐXX không xem xét.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức tang lễ, gia đình các nạn nhận phải chi phí các khoản khác. Trên cơ sở đề nghị của các gia đình và kết quả tranh luận phiên tòa, HĐXX buộc bị cáo phải chi trả chi phí mai táng cho mỗi gia đình 50 triệu đồng.
Ngoài ra, về tổn thất tinh thần, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân là 180 triệu đồng, tương đương với 100 tháng lương cơ sở. Về nghĩa vụ cấp dưỡng, HĐXX buộc bị cáo phải cấp dưỡng cho mẹ anh Quân đến khi mất; cấp dưỡng cho con anh Quân đến khi đủ 18 tuổi, mức cấp dưỡng là 2 triệu đồng/tháng cho mỗi người.