Với nhiều điểm sáng hỗ trợ như cầu tiêu dùng, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực…, giới phân tích nhận định, tháng 10 là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Thị trường vận động tích cực, giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ
Tháng 9, thị trường chứng khoán (TTCK) đón nhiều thông tin hỗ trợ. Trên toàn cầu, tâm lý đầu tư vào các quỹ cổ phiếu ở trạng thái tích cực hơn sau quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi kèm số liệu kinh tế nghiêng nhiều về kịch bản “hạ cánh mềm”. Bên cạnh đó, các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã thu hút dòng tiền vào TTCK.
Tại Việt Nam, tháng 9 cũng đánh dấu sự cải thiện rõ nét ở dòng tiền khối ngoại. Các quỹ ngoại chủ động có dấu hiệu mua ròng trở lại qua kênh khớp lệnh và tập trung nhiều nhất ở nhóm chứng khoán, nhờ tác động tích cực từ lộ trình hỗ trợ giao dịch cho khối ngoại. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng lên gần 14% trên HOSE, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Về vĩ mô, số liệu tăng trưởng 7,4% của GDP Q3.2024 cho thấy sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế trong tiến trình phục hồi. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SHS, việc đạt được kịch bản tăng trưởng 6,5 - 7,0% cho năm 2024 là khả thi và Chính phủ cũng đã đặt ra kế hoạch tăng trưởng 2025 khá tham vọng với kỳ vọng vào động lực từ tiêu dùng và đầu tư công.
VN-Index hồi phục nhanh sau nhịp biến động giảm gần 52 điểm trong 2 tuần đầu tháng do tác động từ TTCK Mỹ và trong nước là lo ngại do cơn bão Yagi. VN-Index đóng cửa phiên 30/9 tại 1.287,9 điểm, tăng 4 điểm (+0,3%) và cao hơn 4% từ mức điểm thấp nhất. Thị trường kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục phục hồi, dòng vốn đầu tư trên TTCK sẽ cải thiện sau khi FED dần nới lỏng lãi suất và chuyển biến tích cực trong quá trình nâng hạng là các yếu tố nền tảng giúp TTCK Việt Nam liên tục trụ vững sau các nhịp biến động và đạt mức tăng trưởng 13,9% từ đầu năm.
Dù có nhiều điểm nhấn, tuy nhiên, giao dịch của nhà đầu tư nội và ngoại vẫn là một điểm trừ của thị trường. Thận trọng trước biến động, nhà đầu tư thu hẹp giao dịch khi thị trường chung chưa rõ xu hướng. Đây là điều thường thấy trong các nhịp biến động ở tháng 7 và tháng 8.
Thanh khoản sàn HOSE trong tháng 9 tiếp tục còn 16.000 tỷ đồng/phiên. Dù vậy, thanh khoản đã dần cải thiện từ giữa tháng khi điểm số chuyển biến tích cực.
TTCK Việt Nam thường phản ứng mạnh mẽ với các chính sách nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là gói kích thích kinh tế. Trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư kỳ vọng gói hỗ trợ chính sách như ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất chính sách, dòng vốn hỗ trợ bơm vào thị trường tốt hơn, tác động tích cực trong năm 2025. Nếu lãi suất hạ thì TTCK chắc chắn có con sóng rất mạnh.
Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank
Trần Hoàng Sơn
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 2.100 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tháng 9 chủ yếu do ảnh hưởng từ GT thỏa thuận đột biến tại VIB chiếm gần 2.700 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, GT rút ròng đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Dòng tiền từ khối ngoại lại đảo chiều mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, đánh dấu tháng mua ròng khớp lệnh tốt nhất kể từ tháng 4/2023. Động thái quay lại mua ròng của khối ngoại được kỳ vọng đẩy mạnh khi FED tiến dần đến chu kỳ nới lỏng và khi các nút thắt giao dịch cho nhà đầu tư ngoại trong quá trình nâng hạng dần được tháo gỡ. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng lên gần 14% trên HOSE, cao nhất trong cùng giai đoạn.
Chờ điểm bùng nổ
Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán SHS nhận định, sang tháng 10, TTCK Việt Nam có khả năng tiếp tục đón nhận các sự kiện hầu hết theo chiều hướng tích cực. Theo quy mô vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch phân bổ dành cho nhóm VN30 đang ở mức 50% - cao nhất kể từ đầu năm nhờ giao dịch mạnh hơn ở nhóm ngân hàng và một số mã bất động sản trụ cột. Ngắn hạn, một nhịp dừng tích lũy là cần thiết, tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết mạnh hơn về cuối năm 2024 và 2025 sẽ đưa TTCK quay lại xu hướng đi lên.
Còn theo các chuyên gia Chứng khoán SSI, các chuyển động tích cực từ thị trường quốc tế được coi sẽ hỗ trợ tích cực. Đó là tâm lý đầu tư vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ở trạng thái tích cực hơn sau động thái giảm lãi suất của FED trong tháng 9 và số liệu kinh tế Mỹ đang nghiêng nhiều ở kịch bản “hạ cánh mềm”.
Trong nước, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi từ các biện pháp kích cầu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. TTCK Việt Nam đang cho thấy hưởng ứng tích cực với 2 yếu tố này.
Về triển vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSIResearch được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành.
Trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.
Các TTCK Đông Nam Á được kỳ vọng hưởng lợi từ phân bổ lại dòng vốn khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một yếu tố thu hút dòng tiền. P/E ước tính một năm của VN- Index tăng lên 12 lần vào ngày 4/10/2024, cao nhất từ cuối tháng 1/2024; phản ánh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho giai đoạn nửa cuối 2024 và năm 2025.
Cũng kỳ vọng thị trường, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, sang tháng 10, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, dự kiến sẽ sôi động trong hai tuần cuối tháng, được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt đà tăng trưởng, bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN Index ước tính khoảng 28% YoY.
Động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng bao gồm: NIM quý III tăng nhẹ so với quý trước sau khi chất lượng tài sản cải thiện; chi phí tín dụng không còn gây áp lực lớn lên lợi nhuận; tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi (chiếm khoảng 75% tổng lợi nhuận toàn ngành) ước đạt 10,5% YTD hay tăng 19,4% YoY.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục khả quan trong quý III/2024 nhờ nền so sánh là mức đáy trong 6 quý trở lại đây được thiết lập trong quý III/2023. Với cầu tiêu dùng dự kiến sẽ hồi phục mạnh hơn và biên lợi nhuận duy trì mở rộng (nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào), triển vọng tăng trưởng trong quý III và quý IV/2024 khá tích cực với hầu hết các ngành. Yếu tố lợi nhuận quý III tiếp tục hồi phục mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Báo cáo của FiinGroup