Điểm trừ giao dịch khối ngoại
Thống kê trong tháng 11, TTCK Việt Nam hồi phục tích cực sau 2 tháng điều chỉnh sâu. Chỉ số VNIndex đóng cửa phiên 30/11 tại 1.094,1 điểm, tăng 66 điểm (+6,4%) so với tháng trước cũng như từ mức đáy xác lập cuối tháng 10. Giá trị giao dịch bình quân 3 sàn nâng lên mức 19,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng 10.
Dữ liệu vĩ mô tháng 11 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và xác nhận nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Cụ thể, sản xuất và thương mại tiếp tục hồi phục, tiêu dùng nhích nhẹ, giải ngân FDI ổn định, giải ngân đầu tư công bật tăng, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất giảm về mức thấp.
Tuy nhiên, một điểm trừ lớn của thị trường tháng 11, kéo dài sang các phiên giao dịch tháng 12 là xu hướng bán ròng của khối ngoại kéo dài sang tháng thứ 8 liên tiếp. Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 3.500 tỷ đồng, nâng quy mô bán ròng từ đầu năm lên mức 12.700 tỷ đồng. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại duy trì ổn định quanh ngưỡng 7 - 8% trên giá trị giao dịch thị trường.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng ở nhiều nhóm ngành trụ cột như bất động sản (-2.100 tỷ đồng), bán lẻ (-1.300 tỷ đồng), thực phẩm đồ uống (- 1.200 tỷ đồng). Dù vậy, khối ngoại đảo chiều mua ròng mạnh ở nhóm tài nguyên cơ bản với giá trị 898 tỷ đồng và duy trì xu hướng vào ròng từ đầu năm với tổng giá trị hơn 6.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng ở các các nhóm hóa chất, vật liệu xây dựng, dầu khí, công nghệ thông tin tháng thứ 2 liên tiếp.
Tính từ đầu năm, các nhóm ngân hàng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ chiếm tỷ trọng chi phối trên giá trị bán ròng hơn 12.500 tỷ đồng của thị trường. Động thái bán ròng tập trung cục bộ ở 3 mã EIB của Eximbank (-5.000 tỷ đồng), VPB (-3.000 tỷ đồng) và mã MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (-3.200 tỷ đồng).
Nhìn chung, các mã vốn hóa trung bình lại hút dòng tiền khối ngoại biễn biến các chỉ số chính từ đầu năm. Điểm nhấn ở các mã DGC (+624 tỷ đồng), NKG (+298 tỷ đồng), NLG (+222 tỷ đồng), HSG (+199 tỷ đồng) là nguyên nhân chính giúp nhóm VNMidcap (+2.600 tỷ đồng) ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất từ đầu năm, bù đắp giá trị bán ròng kỷ lục trong năm ở nhóm VN30 (-5.400 tỷ đồng).
Một điểm “rất sáng” của cơ quan quản lý trong năm 2023 là trật tự kỷ cương, kỷ luật của thị trường được giữ vững và tăng cường. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm trên thị trường đã được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả chung cho sự minh bạch, lành mạnh của TTCK.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Nhận định thị trường tháng cuối cùng của năm 2023, Báo cáo Chiến lược của Công ty CP Chứng khoán SSI nhấn mạnh trở lại các yếu tố có thể hỗ trợ nhịp hồi phục này tiếp diễn, bao gồm: tỷ giá hạ nhiệt, chính sách tiền tệ - xu hướng giảm của lãi suất, chính sách tài khóa - tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công cho động lực tăng trưởng và mùa kết quả kinh doanh quý 4 - hiệu ứng nền so sánh thấp.
Chú ý nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và có mức tăng trưởng cao
Theo các chuyên gia SSI, dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy những tín hiệu tích cực hơn và xác nhận nền kinh tế đang trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Cụ thể, sản xuất và thương mại tiếp tục hồi phục, tiêu dùng nhích nhẹ, giải ngân FDI ổn định, giải ngân đầu tư công bật tăng, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất giảm về mức thấp.
Sau nhịp điều chỉnh 18% trong 3 tháng liên tiếp, TTCK Việt Nam đã hồi phục 6,4% trong tháng 11 cũng như từ đáy xác lập trong tháng 10.
“Cho tháng giao dịch cuối cùng của năm 2023, chúng tôi nhấn mạnh trở lại các yếu tố có thể hỗ trợ nhịp hồi phục này tiếp diễn” - báo cáo của SSI nhấn mạnh.
Về tỷ giá, việc tỷ giá tăng mạnh vốn là yếu tố tác động chính đến nhịp chỉnh mạnh của TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trong tháng 11, USD/VND giảm 1,2% so với tháng trước và xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá sẽ được duy trì nhờ kỳ vọng FED đảo chiều chính sách tiền tệ sớm hơn và cán cân thương mại tiếp tục thặng dư (đạt 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 25,8 tỷ USD từ đầu năm).
Về chính sách tiền tệ, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong tháng 11. Lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh về mức tương đương 2021 trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu từ nửa cuối tháng 11 khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt. Lãi suất càng về mức thấp khiến lợi suất đầu tư trên TTCK hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, các chính sách tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công cho động lực tăng trưởng. Theo đó, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho phép kéo dài gói cắt giảm thuế VAT đến 30/6/2024. Giá trị giải ngân đầu tư công tháng 11 ghi nhận là tháng cao nhất trong vòng 2 năm qua và áp lực giải ngân trong 2 tháng còn lại của năm tài khóa vẫn còn khá lớn khi khối lượng cần giải ngân vào khoảng 230 nghìn tỷ đồng.
Một trong những chờ đợi của thị trường tháng 12 là mùa kết quả kinh doanh quý 4. Với tín hiệu hồi phục kinh tế tích cực hơn trong tháng 11 và mức giảm 33,5% so với cùng kỳ của lợi nhuận quý 4/2022 của thị trường, chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận của thị trường sẽ có quý 4/2023 là quý đầu tiên tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm.
Với các yếu tố thuận lợi này, dù chưa đặt nhiều kỳ vọng cho đến khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa được nền kinh tế và cụ thể hơn là các DN trên TTCK chính thức quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, tuy nhiên, độ biến động của thị trường sẽ hẹp dần bởi thị trường đang ở giai đoạn hồi phục ban đầu sau nhịp giảm sâu và dòng tiền sẽ năng động tìm kiếm cơ hội khi các yếu tố rủi ro nhẹ dần” - báo cáo của SSI cho biết.
Về khuyến nghị đầu tư, Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, dòng tiền có thể sẽ có sự phân hóa trong tháng 12 cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào việc lựa chọn các nhóm cổ phiếu, nên chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và có mức tăng trưởng cao.
NNăm 2023, TTCK Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước như: căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực, dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ; tăng trưởng kinh tế thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm… Với sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, TTCK vẫn duy trì sự ổn định, an toàn và tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, TTCK năm 2023 vẫn được đánh giá là thị trường có tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến ngày 30/11, mức vốn hóa thị trường tăng 10,1% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP ước tính năm 2022.
Xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa rõ ràng cho nên các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục duy trì vị thế mua và nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35 - 40% danh mục.
Nhóm cổ phiếu chú ý tháng 12/2023 theo Yuanta gồm hóa chất với cổ phiếu DGC, DCM, LAS, CSV, PHR; phần mềm và dịch vụ máy tính có FPT, CMG; ngân hàng có HDB, MBB, ACB, BID, STB; sản xuất dầu khí có BSR; thép gồm HSG, HPG. Bán lẻ: FRT, DGW. Dịch vụ dầu khí: PVS, PVD. Quan sát nhóm cổ phiếu vận tải, sản xuất thực phẩm, nước và khí đốt.