Chứng khoán Việt là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo chiến lược tháng 8/2022 của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 31/7, VN-Index vẫn là một trong các thị trường giảm mạnh nhất thế giới, với mức giảm gần 21%.

Trái chiều cổ phiếu bất động sản, bán lẻ

Theo TVSI, trong tháng 7 vừa qua, so với mặt bằng chung, VN-Index là một trong các chỉ số kém tích cực nhất. Chỉ số VN-Index phục hồi vẫn yếu hơn so với chỉ số MSCI khu vực cận biên (MXFM). Đà hồi phục của Việt Nam trong tháng 7 nhìn chung chỉ tích cực hơn so với các quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong tháng 7, các cổ phiếu tác động mức tăng lên chỉ số chủ yếu là những mã cổ phiếu nhóm ngân hàng như BID, VIB hay TCB. Đà tăng điểm của các mã nhóm ngành ngân hàng tháng vừa qua ghi nhận khá tích cực. Bên cạnh các mã ngân hàng, nhóm ngành bất động sản - khu công nghiệp cũng là nhóm ngành tác động tăng điểm tích cực đến chỉ số, với hai mã đầu ngành là BCM và GVR.

Trái ngược với tác động tăng, tác động giảm đến chỉ số trong tháng 7 tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu VinGroup, và các mã trụ đã tăng giá tích cực trong tháng 6 trước đó như GAS, MWG hay MSN.

Tháng 7, thanh khoản của các nhóm vốn hóa đều sụt giảm rất mạnh. Thanh khoản toàn thị trường đều suy giảm khi áp lực về việc FED tiếp tục tăng lãi suất, và sự chán nản trong tâm lý của nhà đầu tư khiến việc giao dịch rất ảm đạm. Ngoài ra, trước các thông tin dần lộ diện về báo cáo tài chính quý II và bán niên cũng khiến dòng tiền phần nào trở nên rất thận trọng.

Nhìn chung, sự phân hóa giữa các nhóm ngành diễn ra mạnh mẽ trong tháng 7. Nhóm ngành bất động sản - khu công nghiệp, chứng khoán và xây dựng tăng điểm tích cực trong khi nhóm bán lẻ, hóa chất và dầu khí giảm điểm. Thanh khoản được cải thiện trở lại từ nhóm ngân hàng và dòng tiền thoát ra mạnh ở nhóm ngành hàng hóa đã tích cực trong tháng 6 trước đó như cảng biển, dầu khí hay điện nước. Nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản - khu công nghiệp dự báo tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực sang tháng mới.

Khối ngoại sau 3 tháng liền mua ròng đã bán ròng trở lại trong tháng 7 với giá trị bán ròng 1.137 tỷ đồng. Trong tháng, khối ngoại mua ròng thỏa thuận KDC với giá trị lớn gần 900 tỷ đồng. Ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND và HPG bị bán ròng nhiều nhất. Tỷ trọng đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài vào thanh khoản chung của thị trường tiếp tục suy giảm và chỉ còn chiếm 7% trong tháng 7 năm 2022.

VN-Index phục hồi lên quanh 1320 điểm trong tháng 8

Về bức tranh vĩ mô thời gian tới, TVSI đánh giá, FED dự báo vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Trong kỳ họp tháng 7 vừa qua, FED đã quyết định tăng thêm 0.75% điểm lãi suất, nâng tỷ lệ lãi suất lên 2.5%. Trong kỳ họp tháng 9, FED dự báo tiếp tục có một đợt tăng lãi suất nữa với mức tăng từ 0.25% đến 0.5%, qua đó đưa mức lãi suất lên mức từ 2.75% đến 3%. Mốc 3% cũng là mục tiêu lãi suất mà FED đã đặt ra từ đầu năm nay.

Về dòng vốn nội địa, trước tình hình không quá tích cực từ thị trường giai đoạn vừa qua, tháng 7 cũng ghi nhận số tài khoản mở mới thấp nhất kể từ sau đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Số tài khoản mở mới tháng 7 chỉ ghi nhận đạt 196.000 tài khoản – ngang với giá trị tài khoản mở mới tháng 1, và là ít nhất kể từ sau đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

Tính đến cuối tháng 7, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12,83 lần, có cải thiện nhẹ so với cuối tháng 6 trước đó, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. So với mức bình quân giao dịch 5 năm, chỉ số hiện tại vẫn đang giao dịch với mức chiết khấu gần 18%.

Theo dữ liệu lịch sử, VN-Index thường có xu hướng hồi phục khi mức chiết khấu P/E của hiện tại so với bình quân 6 tháng từ 15 - 20%. Trong tháng 7 vừa qua đã ghi nhận tín hiệu phục hồi trở lại nhưng vẫn chưa quá mạnh mẽ. Kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp diễn và P/E của thị trường trở lại mức cân bằng quanh mốc 14.

Về mặt kỹ thuật, tính đến hết tháng 7, VN-Index đã tạo xong đáy ngắn hạn và bắt đầu bước vào nhịp phục hồi trở lại. Các tín hiệu tạo đáy đều rất tích cực khi thanh khoản dần cạn kiệt, các nhóm ngành giảm sâu như chứng khoán, thép hay ngân hàng đều đã có nhịp hồi phục mạnh mẽ trên 10%.

“Chúng tôi kỳ vọng mẫu hình 2 đáy khung tuần sẽ xảy ra và VN-Index sẽ có một nhịp hồi mạnh mẽ lên quanh 1320 điểm trong tháng 8. Vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số hiện tại sẽ là vùng 1200 điểm tâm lý vừa vượt qua” - các chuyên gia TVSI nhận định.