Gia tăng tình trạng “nghiện” internet và mạng xã hội
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, Hà Nội có khoảng gần 3 triệu thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm khoảng 30% dân số. Trong đó, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh niên Việt Nam.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên được Hà Nội luôn chú trọng triển khai với nhiều hình thức, tạo nên phong trào thi đua, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, trong xu thế giao lưu, hội nhập, phát triển, những trào lưu, xu hướng sống mới xuất hiện ngày càng nhiều trong thanh niên. Hiện nay, bên cạnh trào lưu, xu hướng tích cực, thanh niên ngày càng có xu hướng gắn liền với cộng đồng ảo nhiều hơn là cộng đồng xã hội thực, biểu hiện rõ rệt nhất là xu hướng thiết lập các mối quan hệ qua mạng xã hội ngày càng tăng.
Đồng thời, tình trạng “nghiện” internet và mạng xã hội gia tăng trong thanh, thiếu niên, kéo theo đó là một số hệ lụy liên quan đến đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật… Một số biểu hiện tiêu cực, chưa phù hợp trong giao tiếp ứng xử nơi công cộng của thanh niên đáng phải quan tâm như: dễ kích động trong ứng xử khi va chạm; không thực hiện những quy định nơi công cộng (xả rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào...).
Tình hình vi phạm pháp luật trong thanh niên còn nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội danh vi phạm trong thanh niên, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng vẫn không giảm. Nhiều hình thức vi phạm pháp luật mới cũng hình thành trong thanh niên.
Tạo điều kiện cho học sinh thực hành và trải nghiệm
Tại hội thảo, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội và các quận, huyện đã đánh giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trong thời gian qua; hiệu quả triển khai thực hiện các hình thức, mô hình tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên tại đơn vị, địa phương. Đồng thời, đề xuất sáng kiến mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả…
Trong đó, ông Vũ Công Thắng (Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, tới đây ngành giáo dục sẽ quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cập nhật kiến thức pháp luật mới nhất, phương pháp giảng dạy hiện đại, giúp giáo viên truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả và sinh động.
Đồng thời, triển khai chương trình học tập pháp luật linh hoạt, xây dựng môi trường học tập tích cực, tạo điều kiện cho học sinh thể hiện bản lĩnh, khám phá kiến thức mới, và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sử dụng ứng dụng, phần mềm học tập, video hướng dẫn, hay các sản phẩm giáo dục trên nền tảng số sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả và thú vị.
Cùng đó, tạo điều kiện cho học sinh thực hành và trải nghiệm; phát triển các hoạt động ngoại khóa liên quan đến giáo dục pháp luật như cuộc thi, chuyến tham quan, hay tổ chức các diễn đàn, tạo đàm với sự tham gia của chuyên gia, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.
Theo ông Vũ Công Thắng, về phía UBND, HĐND các cấp cũng cần tiếp tục tổ chức và hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, đào tạo về giáo dục pháp luật cho học sinh và cộng đồng. Chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và chương trình giáo dục pháp luật cho học sinh phù hợp với thực tế; quản lý và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này. Đích đến là chung tay xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức về pháp luật và tuân thủ pháp luật.
Trong khi đó, đại diện các quận, huyện đề xuất, cần đưa giáo dục pháp luật vào môn học trong các nhà trường dành cho độ tuổi từ 14 trở lên. Cùng với đó, đầu tư, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp để giúp cán bộ có kiến thức sâu về pháp luật và đủ động lực để thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật.
Bên cạnh đó, sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử mới như mạng xã hội, ứng dụng di động và trang web tuyên truyền pháp luật để tăng cường tính tương tác và tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Các phương tiện truyền thông này giúp đưa thông tin đến cho nhiều người dân hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền pháp luật…