Chuyển đổi số, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hộ chiếu

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới đáng chú ý liên quan đến hộ chiếu.

Hộ chiếu mẫu mới được cấp từ 1/7/2022. Ảnh: Hoàng Lam.
Hộ chiếu mẫu mới được cấp từ 1/7/2022. Ảnh: Hoàng Lam.

Các thủ tục thực hiện trên môi trường điện tử

Theo Bộ Công an, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

 

Dự thảo Luật có 3 điều, cụ thể Điều 1 sửa đổi 12 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (viết gọn là Luật số 49); Điều 2 sửa đổi 8 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) (viết gọn là Luật số 47); Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Cụ thể, dù thực tế người dân đã có thể làm thủ tục cấp hộ chiếu qua mạng nhưng theo quy định, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải trực tiếp đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện thủ tục. Do đó, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dự thảo bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

Tương tự, đối với trường hợp mất hộ chiếu, Bộ Công an cũng đề xuất sửa đổi theo hướng quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

Cùng đó, một thủ tục khác cũng được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi lần này, đó là khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Theo quy định hiện nay, người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Nay, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân thì bổ sung quy định thực hiện thủ tục này trên môi trường điện tử để người dân lựa chọn.

Dưới 14 tuổi không cần nộp giấy khai sinh

Đối với vấn đề cấp hộ chiếu phổ thông cho người chưa đủ 14 tuổi, Bộ Công an đã đề xuất bãi bỏ quy định người chưa đủ 14 tuổi cần phải cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh. Theo đó, hiện nay đã hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi.

Theo Bộ Công an, các trường hợp cấp hộ chiếu rút gọn hiện nay đã quy định một số trường hợp. Tuy nhiên, quy định vẫn chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

Làm rõ quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn

Tại phiên họp thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/4, đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá, quy định về đối tượng, trình tự cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong Dự thảo hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong tình huống cần thiết. Vì vậy, Bộ Ngoại giao đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau “Cấp hộ chiếu phổ thông cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay, người không được phía nước ngoài cho cư trú, bị buộc xuất cảnh hoặc người tự nguyện về nước mà không còn hộ chiếu còn giá trị được quy định như sau…”.

Đối với các nội dung liên quan đến sửa đổi Luật Nhập xuất cảnh của người nước ngoài, để giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục cấp thị thực cho người nước ngoài một cách căn cơ, bền vững, phù hợp với phương châm “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có” do Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các ý kiến cũng đề nghị thống nhất không áp dụng nguyên tắc mời đón, bảo lãnh đối với người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường. Ngoài ra, đối với trường hợp khách có nhu cầu cấp thị thực “truyền thống” với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường, cần có quy định để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận hồ sơ xin thị thực của người nước ngoài và cấp thị thực cho khách sau khi có thông báo duyệt nhân sự của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban soạn thảo rà soát sự tương thích của Dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là với Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào và Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam – Campuchia. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần giải trình, làm rõ quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn đối với trường hợp vì lý do nhân đạo, khẩn cấp; cân nhắc việc thay đổi thẩm quyền chủ trì việc đề xuất ký kết điều ước quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần