Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Đòi hỏi tất yếu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh  
Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Ánh  

Thu tiền tỷ nhờ ứng dụng công nghệ số

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám chia sẻ, hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G nhằm cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… Cùng với đó, hợp tác xã lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể quản lý và vận hành hệ thống.

Toàn bộ diện tích trồng rau của hợp tác xã được phủ màng che, hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức và ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel nên năng suất tăng, giảm tỷ lệ sâu bệnh cũng như chi phí sản xuất. Chuyển đổi số giúp hợp tác xã tiêu thụ ổn định sản phẩm với mức thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm.

Là một trong những cơ sở sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao tiêu biểu của Hà Nội, Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) tập trung nhân nuôi các giống gia cầm bản địa như: Gà Mía (Sơn Tây), gà Hồ (tỉnh Bắc Ninh), gà Đông Tảo (tỉnh Hưng Yên)...

Giám đốc Công ty Giống gia cầm Ngọc Mừng Hoàng Mạnh Ngọc cho hay: “Công ty đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất trứng gia cầm và con giống. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường 45 vạn con gà giống cho doanh thu 4,5 tỷ đồng”.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý; giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, chính xác, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường liên kết với doanh nghiệp

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, chuyển đổi số trong nông nghiệp là câu chuyện không mới, số hợp tác xã, DN đã và đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ngày một tăng, tuy nhiên số lượng còn khiêm tốn. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân như trình độ công nghệ chung thấp, số DN đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ số còn ít…

PGS.TS Mai Quang Vinh - Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho rằng, ứng dụng các kỹ thuật thông minh trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc như: Nhà lưới, hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, bán hàng trên nền tảng số… chính là cách để nông dân ứng dụng trong chuyển đổi số.

Ở góc độ của người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (huyện Gia Lâm) Trần Văn Tuấn đề xuất, các bộ, ngành cần hỗ trợ công nghệ giám sát eGap, hỗ trợ lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết thông minh, cấp tem truy xuất nguồn gốc QRCode eGap, thiết kế bao bì thương hiệu, mã nhận diện cho sản phẩm...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, huyện đang tập trung xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ số.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả lâu dài, huyện kiến nghị TP hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử thông qua tập huấn, hướng dẫn bán hàng trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử.

Hiện tại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm. Đồng thời, Sở yêu cầu các đơn vị trong ngành nông nghiệp chủ động phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với DN chuyển đổi số và DN phân phối tiêu thụ sản phẩm.

 

Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu với UBND TP có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong nền nông nghiệp số.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần