Tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” vừa được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng thể và toàn diện về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp hiệu quả, nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực môi trường.
Chất thải cũng là tài nguyên
Đây là mệnh đề được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Việc nhìn nhận chất thải như một loại tài nguyên sẽ giúp chúng ta có cách ứng xử và xử lý với chất thải nói chung và chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở đô thị nói riêng một cách phù hợp nhất.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, theo thống kê thì có tới 20% chất hải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay có thể tái chế và 60% chất thải hữu cơ có thể làm compost, phân vi sinh, biogas .. Do đó, nếu có chính sách tái chế, tái sử dụng những loại chất thải này thì đây sẽ là nguồn tài nguyên rất tiềm năng.
“Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp” - ông Tạ Đình Thi nói và cho biết thêm, các loại chất thải không thể thái chế, tái sử dụng nhưng nếu được đốt hoặc chôn lấp đúng cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.
Ở chiều ngược lại, nếu chất thải không được tái sử dụng hoặc chôn lấp đúng quy cách mà xả thẳng ra môi trường thì nguy cơ gây ô nhiễm là vô cùng nghiêm trọng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có chất thải rắn. Trong chất thải rắn thì chất thải đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa là những vấn đề gây bức xúc.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn lớn, phát sinh từ các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp”- ông Tạ Đình Thi nói và đưa dẫn chứng, năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị là khoảng gần 36 nghìn tấn/ngày, ở nông thôn là hơn 28 nghìn tấn. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở cả khu vực đô thị và nông thôn năm 2019 đã tăng khoảng 50% so với năm 2010.
“Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong các năm gần đây và nhiều nơi không thể tìm thêm được địa điểm chôn lấp mới trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn” - ông Tạ Đình Thi cho biết thêm.
Ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam nhấn mạnh đến sự nguy hại mà chất thải nhựa gây ra đối với môi trường. “Ô nhiễm nhựa có thể nói là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay” - ông Thịnh mở đầu luận điểm của mình. Theo vị chuyên gia này, nhựa mất hàng trăm đến hàng nghìn năm để phân huỷ hoàn toàn và khi phân rã ra sẽ phân huỷ thành hạt nhựa siêu nhỏ; điều này khiến nhựa khó thu hồi và loại bỏ một khi chúng bị thải vào môi trường.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất nằm ở chỗ, nhựa lại mang nhiều ưu điểm và công dụng khác nhau trong khi chi phí cho loại vật liệu này lại rẻ nên nhựa ngày càng được sử dụng rộng rãi trong hàng triệu ứng dụng. “Theo nghiên cứu của WWF Quốc tế, lý do chi phí nhựa rẻ như hiện nay là bởi vì nó chưa bao gồm những chi phí phát sinh do tác động tiêu cực trong suốt vòng đời của nhựa” - ông Văn Ngọc Thịnh nói.
Phải đưa chính sách vào cuộc sống
Nhấn mạnh đến sự nguy hại mà chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa gây ra, các chuyên gia cũng hiến nhiều kế hay để quản lý cũng như giảm thiểu các loại chất thải này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã chia sẻ những mô hình hiệu quả mà địa phương đang triển khai. “Hiện nay, tình hình triển khai thiết lập hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh rất hiệu quả. Ở khu vực đô thị đạt 90%, ở khu vực nông thôn đạt trên 60 %; tất cả các TP, huyện, thị xã, 10 đơn vị hành chính trên địa bàn đều có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, đầu tư các lò đốt rác thải sinh hoạt” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Một trong những cách làm mang đến hiệu quả cao mà tình Quảng Trị đưa ra là đưa tiêu chí về môi trường rất cụ thể vào các tiêu chí xã đề xuất đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. “Nhờ đó, người dân cũng dần dần nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong thu gom rác thải trong nhà, trong vườn, trong các sản phẩm, đảm bảo an toan toàn vệ sinh môi trường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, vấn đề chủ yếu và cấp bách nhất là phải đưa chính sách quản lý chất thải rắn sinh hoạt đi vào cuộc sống. “Tôi muốn nhấn mạnh thêm về việc xây dựng các dự án sản xuất điện từ rác thải. Đây là một trong các vấn đề quốc gia mà Nhà nước đã có chính sách. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, trên cả nước cũng có rất ít nhà máy đã và đang được xây dựng, đi vào vận hành bước đầu” - ông Tạ Đình Thi nói.
Muốn giảm thiểu ô nhiễm do tác động của rác thải, đầu tiên cần tăng cường công tác thu gom để xử lý; tiếp tục đầu tư hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt để giảm thiểu rác thải; tăng cường công tác truyền thông, cần coi đây là ưu tiên số một; tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ với các nước để tiếp thu các giải pháp nhằm giảm thiểu, xử lý tốt rác thải - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức
Theo ông Tạ Đình Thi, hiện nay đất chôn lấp rác thải càng ngày càng bị thu hẹp và việc tìm vị trí chôn lấp cũng trở nên rất khó khăn, trong thời gian tới, việc xử lý rác thải bằng cách chôn lấp sẽ ngày càng khó thực hiện. Bởi vậy, việc cần làm ngay lúc này là phát triển công nghệ để hạn chế chôn lấp bởi việc xử lý rác rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa.
“Chúng ta đã có những chính sách về chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, có các quy định cụ thể thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng như EPR, kinh tế tuần hoàn… Các chính sách này đã bắt kịp với chính sách quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào. Để đưa những chính sách này vào cuộc sống, chúng ta đang thúc đẩy nhanh nhất có thể từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý…” - ông Tạ Đình Thi,khẳng định.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 thì hạn chót của việc ban hành các quy định về chất thải rắn sinh hoạt ở địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường là 31/12/2024. Nghĩa là bắt đầu từ năm 2025, tất cả các tỉnh phải triển khai quy định về phân loại rác tại nguồn. Thực hiện chính sách này không chỉ thúc đẩy quá trình tuần hoàn tài nguyên, chủ động nguyên liệu sản xuất, bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một môi trường đô thị văn minh, ý thức của người dân nâng cao, qua đó phản ánh được sự phát triển của xã hội cả về phương diện vật chất và tinh thần" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi