Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một Hà Nội xanh

Nguyễn Minh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một Hà Nội xanh, nhịp điệu phố vui trong tán lá cổ thụ, cây và hoa bên đường. Và cũng có một Hà Nội ngóng trông khi mùa về với cỏ cây, hoa lá mang theo tính cách, phong thái của từng người Hà thành - chủ nhân của những bonsai, cây cảnh.

1. Xưa, Hà Nội có phiên chợ Bưởi bán cây cảnh nhằm ngày 4, ngày 9 (âm lịch), rồi đông vui bán mua tràn sang cả phố Hoàng Hoa Thám. Nhưng có vẻ như thế vẫn chưa đủ cho thú chơi tao nhã của người Hà thành, nên từ lâu cả đoạn phố dài đã hóa thành phố cây cảnh. Người có nhà mặt phố, người có vốn, có nghề thuê cửa hàng bán cây, đất trồng, phân bón, dụng cụ làm vườn bày bán kín phố, rồi cánh hàng rong cũng có một góc tập kết bán buôn, bán lẻ tại đây.

Thế rồi, người chơi cây cảnh Hà thành cũng không còn nhẩm tính ngày phiên chợ Bưởi, mà chỉ nhằm khi có nhu cầu tìm cây. Những ngày cuối tuần thì phố cây cảnh vui như hội. Tìm cây bắt mắt, hợp duyên là mua, nhưng cũng có khi tìm một thân cây mảnh mai với một trời kỷ niệm đem về tư gia để thấy những xưa cũ mênh mang tràn về.

Xưa, khi cuộc sống còn nặng nỗi lo cơm áo, thì như một khoảng lặng dài, lác đác người Hà thành mê mải trong thú chơi cây, chơi hoa. Dẫu vậy, những chậu hoa, cây xinh xinh trên bậu cửa nhà tập thể vẫn nở hoa trong đời sống thường nhật.

Người Hà thành kinh qua thời đó hẳn ai cũng nhớ những hoa dây leo kiên cường trên bức tường nhà tập thể tróc lở, nhớ cây lưỡi hổ chẳng cần tưới tắm nhiều mà vẫn trổ lá lên màu xanh, nhớ vài ba gốc xương rồng hoa đỏ vươn lên giữa đám gai tua tủa, những chậu hoa bỏng gọi tên quân tử nở hoa bền bỉ… Nhớ cả lũ nhóc theo nhau trồng cây hoa đá, vì có thể biến chậu hoa nhỏ xinh ấy thành một món quà tặng.

Người dân chọn mua cây xanh trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Người dân chọn mua cây xanh trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Và rồi, những ngôi nhà hình ống có đôi cây thiết mộc lan, có cả sân thượng xanh cây cảnh của những công chức hưu trí nở hoa trong đời sống người Hà thành. Lại có những chậu cây gắn bó với gia chủ cả mười mấy năm, vì mang theo tình cảm của người cho, người nhận… Hóa ra trong khoảng lặng dài vì áo cơm, người Hà thành vẫn âm ỉ niềm đam mê và thú chơi cây cảnh tao nhã.

2. Giờ thì người phố đã quen mắt với sự hiện diện của cây cảnh. Không còn sự mặc định chỉ người già mới chơi cây cảnh, tưới cây ở ban công hay sân thượng, mà những cây cảnh nhỏ xinh đã hiện diện ở khắp nơi, như những vật dụng “làm xanh” cuộc sống của người Hà thành trong buổi đô thị hóa.

Những chậu cây không chỉ có mặt trong không gian phòng khách mỗi gia đình, mà còn đi vào các không gian văn phòng làm việc, các không gian văn hóa… cả các cửa hàng, cửa hiệu bán mua thương mại… Ai cũng tạo cho mình một “điểm nhấn xanh” giữa nhịp sống hối hả thường nhật, kể cả những đứa trẻ cũng được bố mẹ đặt một chậu cây xinh xinh trong góc học tập.

Thế là chợ Bưởi và phố Hoàng Hoa Thám, chợ cây Vạn Phúc và đường Tố Hữu… cứ rộn rã quanh năm. Cánh hàng rong cũng tứ mùa chở cây vào phố, long rong khắp các ngõ nhỏ, đường to… Người ta mua đôi ba giò phong lan hoa tím, hoa trắng, mua chậu hoa đá, mua cây mộc, cây vối… đem về tô điểm cho không gian “sống xanh” của mình. Người ta tranh thủ ngày nghỉ cải tạo “vườn treo” tự tạo, nào thay đất, bón phân, nào “design” cho không gian ấy thêm sống động… Cần thêm chiếc đôn kê cây, phiến đá trang trí, sỏi rải gốc cây… cứ chạy đến chợ cây là có.

Thú chơi cây thời hiện đại của người đô thị giờ cũng tiện dụng, vì đủ loại hàng hóa hội tụ về, cây hoa cảnh cũng từ vùng Hà Tây cũ, Hưng Yên, Nam Định, cho đến tận miền Nam chở về chợ Vạn Phúc, chợ Bưởi…

Những con đường dẫn ra ngoại thành có đất trống là có ngay những ông chủ xốc vác vừa lái xe, vừa bốc dỡ vừa kiêm “sale” và tư vấn tiểu cảnh cho các gia chủ… Sau khoảng thời gian trao đổi, từ làm quen cho đến “chốt mua”, người Hà Nội xếp cây, hoa lên xe chở về và đã những góc, những ban công trong phố hoa ríu rít vui cùng người.

3. Giờ thì người phố đã quen mắt với sự hiện diện của cây cảnh. Những khu đô thị mới nối đuôi nhau đi vào đời sống luôn đồng hành cùng không gian dành cho công viên - vườn hoa với cây xanh và cây cảnh ngự trị. Những khu trung tâm với đảo giao thông xoay tròn nơi ngã tư cũng tươi mát vì những chậu hoa cảnh được người làm môi trường đô thị thiết kế đẹp mắt.

Khỏi phải nói, những ngày Hà Nội “vào hội” thì hoa và cây cảnh rực rỡ khắp các tuyến phố trung tâm. Khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng…, các tuyến đường Trần Phú, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Đinh Tiên Hoàng, Thanh Niên… như mặc áo mới. Hoa, cây cảnh hòa sắc trong đèn màu làm phố Hà Nội lung linh trong dáng vẻ hiện đại, mà vẫn thanh nhã và đậm hương sắc Hà thành.

Những ngày này, Hà Nội đang hân hoan đón chào kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), hoa và cây cảnh lại tái ngộ người đương thời, như giai điệu xanh tươi trong bản hòa ca Hà Nội phố đầy tự hào.

Thế mới hiểu, trong hành trình chỉnh trang và tái thiết đô thị hiện đại, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa của người Kinh Kỳ xưa, với “thói” yêu cây, yêu hoa, yêu cái đẹp.

Thế mới thấy, trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô, người Hà Nội luôn chú trọng những không gian “sống xanh”, hiện đại, văn minh. Những người yêu Hà Nội càng hiểu hơn về con đường mà Hà Nội đang đi để xứng danh “Thủ đô nghìn năm văn hiến”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”, hiểu hơn về đích đến “Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” vào năm 2050 mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực đi tới.

Hà Nội người xe nườm nượp, chung cư cao tầng san sát… nhưng người Hà Nội vẫn cố gắng tạo ra các không gian xanh tô điểm cho cuộc sống nơi đô thị. Hà Nội của cây, của hoa, Hà Nội là thế luôn cởi mở, bao dung và chọn cái đẹp cho phố, cho mình.