Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU; Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU; các thành viên Ban Chỉ đạo cùng đại diện một số sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Phân loại chỉ tiêu khó để tập trung tháo gỡ
Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong (Cơ quan Thường trực Chương trình) cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. Thực hiện các Kết luận của Ban chỉ đạo, đến nay đã hoàn thành cơ bản 4/19 chỉ tiêu; phân loại các chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc (5/19 chỉ tiêu) để chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ, sớm hoàn thành chỉ tiêu của chương trình.
Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Về kết quả thực hiện, 5/19 chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc: Chỉ tiêu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ, hiện nay, Sở Xây dựng đang yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cải tạo hè phố kết hợp với hạ ngầm các đường dây cáp, điện lực, viễn thông theo cấp độ 2 và cấp độ 3; đồng thời tổng hợp nguồn vốn đề xuất thực hiện, gửi Sở KH&ĐT để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Chỉ tiêu “Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35%”, đến hết 9 tháng đầu năm 2023 đạt 19,5%. Sở GT-VT đã có văn bản số 908/BC-SGTVT ngày 31/8/2023 báo cáo về việc đề xuất các giải pháp tập trung thực hiện chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Chỉ tiêu “Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%”, dựa trên báo báo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp, ngày 19/10/2023, UBND TP đã có văn bản số 3477/UBND-ĐT điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện hợp đồng thi công gói thầu số 4 thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Đối với các khó khăn, vướng mắc khác, Ban BQLDA ĐTXD Công trình HTKT và Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị để giải quyết.
Về chỉ tiêu “Đầu tư xây dựng 20 chợ”, đến tháng 9/2023 Sở Công thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng chỉ tiêu đầu tư xây dựng từ 20 chợ lên 28 chợ (có 5 chợ đã khởi công, đang trong giai đoạn thi công; 23 chợ đang chuẩn bị đầu tư); Về cải tạo, nâng cấp 48 chợ, tại Hội nghị giao ban quý 2/2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình, tổng số chợ cải tạo được rà soát, cập nhật là 50, đến nay có 16/50 chợ đã hoàn thành việc tải tạo chợ; 6/50 chợ đã khởi công, đang trong giai đoạn thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023; 28 chợ đang chuẩn bị đầu tư...
Đối với 14 chỉ tiêu còn lại của Chương trình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Ban chỉ đạo đã tăng cường phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho 5 huyện thành quận đến năm 2025. HĐND TP đã thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh tại Kỳ họp thứ 12 (tháng 7/2023), thông qua Nghị quyết thành lập quận Gia Lâm tại Kỳ họp thứ 13 (tháng 9/2023). Đối với 3 huyện còn lại, hiện nay còn một số chỉ tiêu gặp khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP, đến nay đã có 3/11 dự án hoàn thành thi công xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác (chung cư 3A Quang Trung, 93 Láng Hạ, 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm). Sở Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư) đẩy nhanh tiến độ triển khai 8 dự án còn lại...
Tập trung cho các chỉ tiêu "khó"
Cùng với những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy vẫn có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu; xây dựng các đề án, đồ án tiến độ còn chậm. Hiện còn 10/13 đề án đang trong quá trình xây dựng; 3/5 đồ án quy hoạch đang nghiên cứu, hoàn chỉnh theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Ngoài ra, việc thực hiện các Chỉ tiêu chương trình mặc dù các đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu “khó” của Chương trình, tuy nhiên, một số các chỉ tiêu vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, với 5 chỉ tiêu khó cần cố gắng làm theo hướng đạt kết quả tốt nhất. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cần cụ thể hoá và có chỉ tiêu tính toán, lộ trình để thực hiện…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc và các sở ngành, địa phương trong triển khai Chương trình đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có sản phẩm cụ thể. Đáng chú ý, một số dự án, công trình trọng điểm được khẩn trương khởi công, khánh thành như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Vành đai 2 trên cao, cầu Thượng Cát, đường nối đại lộ Thăng Long đi qua địa bàn huyện Thạch Thất, công viên Long Biên, công viên Ngọc Thuỵ…
Chủ tịch HĐND TP nêu rõ, có thể khẳng định, Chương trình 03-CTr/TU đã làm thay đổi, chuyển biến đáng kể bộ mặt đô thị của Thủ đô. Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu khó khăn trong triển khai; nhiều dự án, công trình xây dựng, chỉnh trang đô thị còn kéo dài, chậm tiến độ; một số việc đã có cơ chế chính sách nhưng chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai…
Trong thời gian tới, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chương trình 03-CTr/TU, đảm bảo các cấp, ngành phải nâng cao nhận thức, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tiến hành thường xuyên. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chất lượng, hiệu quả của việc chỉnh trang đô thị.
Cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo; các sở ngành, địa phương tập trung rà soát, có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, chú trọng đưa ra phương án khả thi; đồng thời rà soát các nội dung triển khai đã có kết quả để tổng hợp báo cáo. Kiến nghị, đề xuất nội dung cụ thể với Ban Chỉ đạo để có những chỉ đạo kịp thời, đảm bảo Chương trình được triển khai sâu rộng, hiệu quả, thực chất.