Giai đoạn 2018 – 2022 với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội là giai đoạn có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn đan xen đối với hoạt động Công đoàn và phong trào Công nhân, Viên chức, Lao động (CNVCLĐ).
Tuy vậy, bằng sự chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động các cấp công đoàn trong toàn ngành Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc Nghị quyết Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã đề ra, tạo ra một dấu ấn tích cực của một nhiệm kỳ đổi mới.
Với 93 công đoàn cơ sở, gần 17.000 CNVCLĐ, ngành nghề đa dạng, hoạt động trên khắp địa bàn thành phố, công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội qui tụ số lượng lớn người lao động, có tuổi đời bình quân trẻ, có khả năng thích ứng với thị trường và tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến.
Nhằm nâng cao công tác chăm lo, bảo vệ người lao động, hàng năm, Công đoàn ngành đều chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng của việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể, góp phần cụ thể hóa các quy định của pháp luật với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đơn vị.
Trong đó có 56 bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên, đạt tỉ lệ 67%. Nội dung thoả ước đã tập trung hơn vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động: về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới, nâng cao “chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.
Các cấp Công đoàn trong ngành cũng chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham gia đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lao động; tham gia xây dựng định mức lao động, xây dựng và triển khai thực hiện thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ; chủ động tham gia với chuyên môn tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn 2018 – 2022 cũng đánh dấu những khó khăn chưa từng có bởi dịch Covid-19, nhất là đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành rơi vào khủng hoảng.
Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, hàng nghìn công nhân lao động trong ngành phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút.
Đứng trước những khó khăn đó, các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội luôn xác định rõ mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP.
Để thực hiện tốt các chức năng của tổ chức Công đoàn, Công đoàn Ngành Xây dựng Hà Nội xác định Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là một trong những nhiệm vụ then chốt, ưu tiên hàng đầu.
Công đoàn ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch của TP về thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (Khóa 13) về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình mới". Tổ chức tuyên truyền vận động thành lập 28 Công đoàn cơ sở, đạt 254% kế hoạch giao, phát triển 2.609 đoàn viên công đoàn trong nhiệm kỳ qua. Tỷ lệ công đoàn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90% trong đó vững mạnh xuất sắc đạt 20%.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành…, với tinh thần chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới chỉ đạo, điều hành, nội dung và phương thức hoạt động, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã và đang cùng với các cấp Ủy Đảng, Chính quyền đồng cấp đạt được những thành tích rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của ngành, Thủ đô và đất nước.
“Huân chương Lao động hạng Nhất là phần thưởng cao quý, ghi nhận những thành tích xuất sắc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành Xây dựng Hà Nội, hạt nhân tiên phong, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”- Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu một lần nữa đánh giá cao nỗ lực của toàn thể đoàn viên, người lao động và cán bộ Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, đồng thời đề nghị tiếp tục phát huy kết quả đạt được.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh đến việc nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn Hà Nội vào cuộc sống, tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác chăm lo, cải thiện điều kiện việc làm, đời sống người lao động.
Trong đó trước mắt tập trung nguồn lực chăm lo đồng hành cùng đoàn viên, CNVCLĐ dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024, đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.