Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có Kế hoạch số 245/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa.

Kế hoạch nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, xác định rõ nội dung và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được Thành ủy giao. Trong đó, quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô.

Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)…

Cùng với thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố về công tác tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm thực chất, toàn diện; đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về nội dung này…, thành phố sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tất cả các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phải tổ chức khắc phục ngay, khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

Công khai thông tin các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”…