Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú hích cho tiêu dùng

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trong năm 2021.

Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,021% so với năm trước, vận tải kho bãi giảm 5,02%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%. Trong bối cảnh này, để tạo cú hích tăng sức mua cho thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm 2%, còn 8%. Dự kiến, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/2 - 31/12/2022. Dự thảo này có hiệu lực được đánh giá sẽ thúc đẩy thị trường mua bán. Bởi thuế VAT đánh vào người tiêu dùng nhưng lại mang rất nhiều lợi ích cho DN, cho sản xuất trong nước. Khi bảo vệ sản xuất trong nước thì người lao động đảm bảo công ăn việc làm. Việc giảm thuế VAT thêm 2% sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm xuống, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ tạo đà phục hồi nền kinh tế. Trong giai đoạn nước rút này, kích cầu tiêu dùng là một yếu tố rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế đang khôi phục lại sau giãn cách ở nhiều cấp độ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với chính sách trên, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2022 sẽ giảm khoảng 51.400 tỷ đồng, trong đó riêng giảm thuế VAT là khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các Luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế.

Thừa nhận việc giảm thuế VAT là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, mức giảm 2% là ít nên khó có thể tạo ra cú hích tăng sức mua cho thị trường, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân đã giảm mạnh do dịch bệnh suốt một thời gian dài. Vì vậy, Bộ Tài chính có thể cân đối lại mức giảm để tạo ra được cú hích thật sự đối với nền kinh tế. Khi kích thích được tiêu dùng, nhà sản xuất gia tăng công suất, giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, quay lại gia tăng sức mua. Khi đó, Nhà nước lại tăng thu được thuế.

Mặt khác, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ chính sách, việc giám sát quá trình thực hiện là hết sức quan trọng. Bởi trên cả nước hiện nay có hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh, thường thì họ nộp thuế khoán và không xuất hóa đơn nên việc giám sát giá cả hàng hóa, dịch vụ có được giảm trừ từ chính sách thuế hay không sẽ rất khó. Thực tế, rất nhiều dịch vụ trên thị trường tính VAT cho khách dù khách không lấy hóa đơn. Thế nên giám sát không tốt, không chặt thì chính sách khó đến tay người tiêu dùng.