Kiến nghị ưu tiên nguồn vốn để có nhà máy xử lý rác hiện đại
Ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn và giải quyết bức xúc của người dân sống xung quanh khu vực này là vấn đề nan giải của chính quyền Đà Nẵng nhiều năm qua. Mới nhất, từ chủ trương của lãnh đạo TP và được sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng thống nhất nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn.
Trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, trước mắt Đà Nẵng sẽ sớm triển khai nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn/ngày và đang tiến hành kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày.
Cử tri Lương Ngọc An (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ: Về nhà máy xử lý rác thải rắn, cử tri e ngại về vấn đề công nghệ. “Nên sử dụng công nghệ tiên tiến Âu - Mỹ. Tâm lý chung là không tin tưởng vào công nghệ của Trung Quốc”, ông An nói.
Cử tri Lương Ngọc An cũng đề cập đến sự cố môi trường có thể xảy ra sau khi nhà máy đi vào hoạt động thì tổ chức và cá nhân nào chịu trách nhiệm?
Cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến công nghệ nhà máy xử lý rác thải, cử tri Nguyễn Thanh Trự (Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) nêu câu hỏi: Nhà máy này sử dụng công nghệ của nước nào? Mức độ công nghệ của nhà máy đã hiện đại đến thời điểm hiện nay hay chưa? Khi đưa vào hoạt động, công suất của nhà máy có xử lý hết rác thải hiện nay hay không?
“Tục ngữ có câu: “Đắt thì xắt ra miếng”. Kinh phí của TP cũng lo cho nhiều dự án, nhiều công trình cấp thiết. Nhưng tâm nguyện của cử tri chúng tôi là mong TP bố trí và ưu tiên nguồn vốn để lắp đặt nhà máy này thật hiện đại, tiến tiến để giải quyết được bức xúc về vấn đề môi trường”, cử tri Nguyễn Thanh Trự bày tỏ.
Phải có công nghệ châu Âu hoặc các nước tiên tiến
Trả lời cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: Về bãi rác Khánh Sơn, từ chủ trương của lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân, TP quyết định nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hiệp xử lý chất thải rắn. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời và phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Tô Văn Hùng, trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn có 4 dự án, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn; Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn (trước đây của Công ty CP Môi trường Việt Nam); Lò đốt rác y tế; Nhà máy xử lý phân bùn bể phốt.
“Đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn 650 tấn, TP đã có chủ trương cho nâng cấp công nghệ, hiện đang thực hiện các bước thẩm định công nghệ của Bộ TN&MT. Trên cơ sở thẩm định, Sở TN&MT Đà Nẵng sẽ chủ trì thẩm định đánh giá tác động môi trường. Sở và các ngành các cấp cam kết thực hiện đúng các quy trình của pháp luật, đặc biệt về vấn đề công nghệ. Về phía Công ty CP Môi trường Việt Nam cũng cam kết đảm bảo việc đầu tư, thống nhất với bộ tiêu chí mà TP đã đưa ra”, ông Tô Văn Hùng thông tin.
Còn Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn, hiện Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục để triển khai kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, hiện đang thực hiện bước thẩm định và chọn công nghệ, đây là cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư dự án này.
“Dự án này công suất 1.000 tấn nên theo bộ tiêu chí phải có công nghệ xuất xứ từ châu Âu hoặc các nước tiên tiến”, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định.
Trả lời câu hỏi “dự án công suất 1.000 tấn sắp tới có đảm bảo công nghệ hiện đại nhất hay chưa”, ông Tô Văn Hùng nói: “Xin khẳng định là không thể. Bởi lẽ, khả năng ngân sách đối với việc kêu gọi đầu tư nhà máy này, hiện nay TP chỉ xác định tối đa 25 USD/tấn rác. Hiện có hơn 40 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ cho TP, đưa ra các mức giá: 65 USD, 50 USD, 20 USD/tấn. Vì thế, TP rất cân nhắc, để vừa đảm bảo về công nghệ, đồng thời phải có giá phù hợp với khả năng năng lực ngân sách của TP”.
Ông Tô Văn Hùng khẳng định thêm, Đà Nẵng sẽ mời các chuyên gia hàng đầu thẩm định công nghệ khi quyết định chọn nhà đầu tư xây nhà máy xử lý chất thải rắn.
Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 650 tấn/ngày, cuối tháng 5/2019, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam được đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện; thực hiện liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài. Công ty này liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hong Kong) để đầu tư công nghệ đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn. |