Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng gỡ khó nền kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng và Thường trực Chính phủ với 12 tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam, các DN đã đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

12 tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam gồm: Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, REE và Tập đoàn TH cuối tuần qua (21/9).

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hội nghị đối thoại với DN tư nhân, DN nhỏ và vừa. Đồng thời luôn khẳng định sự kỳ vọng của Chính phủ đối với khả năng tiên phong, bứt phá, dẫn dắt của các DN lớn nói riêng và sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của khu vực kinh tế tư nhân nói chung.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các DN tư nhân lớn tham dự Hội nghị đạt khoảng 70 tỷ USD. Do vậy, việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm tính tự chủ của kinh tế đất nước. Việt Nam đã có hơn 930.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DN nhỏ và vừa, cộng đồng DN nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức.

Cộng đồng DN, trong đó có vai trò của các DN lớn, luôn khẳng định vai trò, vị trí của mình trong những thời khắc khó khăn như giai đoạn đại dịch Covid-19, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng… Và mới đây nhất là khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi gây ra. Qua đó góp phần phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Nhận thức được vai trò, sứ mệnh lớn lao, tiên phong của mình, các DN đã kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn, thuế, về lao động… để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, làm đầu tàu và thúc đẩy các DN vừa và nhỏ, trong đủ mọi lĩnh vực.

Các DN lớn cũng mong muốn tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… Trong đó, DN tư nhân lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó và việc mới...

DN phát triển là đất nước phát triển, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hình thành những “sếu đầu đàn” tư nhân để thu hút và lôi kéo được đội ngũ DN nhỏ và vừa. Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại.

Thủ tướng yêu cầu tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, trong đó đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Tinh thần chung đó là hỗ trợ DN cũng là gỡ khó cho nền kinh tế. Nhưng cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các DN tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần “đoàn kết, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường” truyền thống lịch sử, di sản văn hóa - một điểm tựa của đất nước, để “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”.