Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản hay cấm?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo thông tư về quản lý dạy thêm, học thêm vừa được công bố để xin ý kiến, đang nhận sự quan tâm của đông đảo dư luận. Nếu như quy định hiện tại có nhiều điều “cấm để quản”, thì dự thảo mới lại quy định “nới để quản” về hoạt động dạy thêm, học thêm.

Dạy thêm, học thêm vốn dĩ là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người học, người dạy nhưng quá trình vận hành, phát triển đã nảy sinh không ít tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội, nhất là hiện tượng giáo viên ép học sinh học thêm, ra đề kiểm tra giống nội dung dạy thêm, dạy trước chương trình ở lớp học thêm…

Để giải quyết tình trạng này, tại Thông tư 17 năm 2012, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép hay giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm…

Thực tế, có rất nhiều thầy cô vượt rào quy định; tìm cách hợp thức hóa việc phụ huynh cho con đi học thêm bằng những lá đơn xin học tự nguyện theo một khuôn mẫu có sẵn. Và tất nhiên, giáo viên trường công lập vẫn dạy thêm “chui”.

Tiếp tục tìm hướng giải quyết hiện tượng này, dự thảo quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên trường công, hiệu phó, thậm chí hiệu trưởng đều được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, được phép dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình dạy trên lớp nhưng trong tất cả các trường hợp này đều phải báo cáo cấp trên.

Như vậy, nội dung dự thảo hoàn toàn nới lỏng, tạo điều kiện để giáo viên có thể dạy thêm một cách đàng hoàng. Nói cách khác, dự thảo đưa ra nhiều quy định, thủ tục nghiêm ngặt để ràng buộc giáo viên, yêu cầu giáo viên tham gia dạy thêm ý thức được về vai trò của mình cũng như trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định.

Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm trước hết phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đồng thời phải công khai nhiều nội dung như: các môn học, thời lượng, địa điểm, thời gian, danh sách giáo viên, mức thu tiền…. Điều này cho thấy, việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD&ĐT hay chính quyền địa phương như trước mà còn có sự tham gia của toàn dân, trong đó có học sinh và phụ huynh.

Việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến hướng tới quy định một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh tra, kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh. Về vấn đề này, trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, bảo đảm quyền lợi của cả thầy và trò.

Song, không ít ý kiến vẫn cho rằng, cấm học thêm là tốt nhất bởi lo ngại sẽ xảy ra tình trạng cắt xén chương trình học trên trường để ép học sinh học thêm. Lương giáo viên hiện đã khá cao, tới đây được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, vì thế thầy cô nên tập trung chuyên môn dạy cho tốt để tương xứng với mức lương được hưởng.

Cần khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế, khách quan, đang tồn tại và phát triển theo sự tiến bộ của xã hội nên rất khó để nói cấm hay không cấm. Bộ GD&ĐT cũng nhất quán quan điểm, với hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học.

Bằng việc xây dựng dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT đã và đang có những giải pháp, định hướng để việc dạy thêm, học thêm có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những băn khoăn, làm thế nào để biết học sinh không bị giáo viên ép buộc học thêm, để học thêm không có tiêu cực, không gây quá tải cho học sinh?

Về điều này, ngoài quy định tại thông tư còn rất cần lương tâm, trách nhiệm của giáo viên cũng như vai trò của phụ huynh. Chỉ khi, nhà giáo thấu hiểu năng lực, hoàn cảnh của học sinh, điều chỉnh mưu cầu về tài chính, thu nhập của bản thân và chỉ khi, phụ huynh hiểu con, cân đối kỳ vọng về con để xây dựng mục tiêu phù hợp thì khi đó, dạy thêm, học thêm mới là một hoạt động chính đáng và vận hành ổn định.