Có thể khẳng định, trong việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, đã có sự quan tâm sâu sắc, sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân Thủ đô.
Sức sống mới của di tích sau tu bổDi tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) vốn nổi tiếng với kiến trúc của 8 điểm di tích thành phần, cùng các hạng mục Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương, là ngôi đền chính, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống), rồi đến thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.
Thế nhưng, qua sự phát triển của thời gian, với những công trình phụ cận xung quanh như: Trụ sở UBND xã Phù Đổng, đã phần nào lấn át di tích chính. Năm 2014, UBND huyện Gia Lâm đã ra Quyết định số 756/QĐ-UBND, đầu tư số tiền gần 72 tỷ đồng để tu bổ tôn tạo các hạng mục trong khu di tích bị xuống cấp như: Đình Hạ Mã, Đền Mẫu, Chùa Kiến Sơ, Bãi Soi Bia, di chuyển trụ sở UBND xã Phù Đổng ra vị trí khác tạo cảnh quan, không gian cho khu di tích và không gian thực hành hội; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ, trồng cây xanh…
Khung cảnh của đền Phù Đổng hôm nay khác hẳn so với 5 năm về trước. Không gian cổ của các hạng mục nằm trong vùng một của di tích vẫn được giữ nguyên. Không gian thực hành lễ hội đã được quy hoạch bài bản từ hệ thống cây trồng, ánh sáng đến công trình chính của lễ hội đều được bảo tồn bài bản.
Không chỉ có đền Phù Đổng, nhiều năm nay, Gia Lâm là một trong nhiều địa phương của Hà Nội đã quan tâm đầu tư tu bổ di tích một cách bài bản. Nằm trong vùng đất cổ giao thoa giữa hai nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, Gia Lâm có tổng cộng 318 di tích, trong đó có 173 di tích được xếp hạng (đạt 54%) gồm: 157 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và TP, 16 địa điểm được gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Bên cạnh đó, 100% lễ hội truyền thống được tổ chức ở các thôn làng và gắn với các di tích, trong đó có những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Lễ hội Chùa Nành (xã Ninh Hiệp); Lễ hội Đình – Chùa Sủi (xã Phú Thị); Lễ hội Đền – Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá); Lễ hội Đình làng Bát Tràng (xã Bát Tràng)...Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ tôn tạo. Vì thế, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã rà soát đưa vào danh mục thực hiện đề án tu bổ tôn tạo trên 100 di tích với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 34 di tích; năm 2017 – 2018 là 61 di tích; năm 2019 hơn 20 di tích, tập trung ở các xã, thị trấn: Phù Đổng, Dương Hà, Phú Thị, Dương Xá, Đa Tốn, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Dương Quang... Năm 2020, huyện tiếp tục khởi công tu bổ 23 di tích với tổng kinh phí khoảng 500 – 600 tỷ đồng, đến nay đã đưa vào sử dụng 9 di tích. Bên cạnh kinh phí đầu tư của huyện, chính quyền và Nhân dân các xã trên địa bàn Gia Lâm cũng triển khai thực hiện tu bổ tôn tạo các di tích bằng hình thức xã hội hóa với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng.Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di tích, Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: “Việc bảo tồn di tích không thể đong đếm hiệu quả bằng tiền. Bởi vì, không có nghĩa bỏ một đồng bảo tồn sẽ thu luôn được 5 đồng hay 10 đồng. Thế nhưng, quan tâm bảo tồn sẽ mang lại hiệu quả văn hóa cũng như phát triển du lịch rất cao. May mắn của Gia Lâm là luôn có sự có sự quan tâm vào cuộc rất sát sao của các cấp lãnh đạo nên đầu tư nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa luôn chú trọng”. Không chỉ đã đầu tư trong các năm trước, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Gia Lâm đã xây dựng đề án với nguồn kinh phí gần 370 tỷ đồng (trong đó 234,6 tỷ tiền ngân sách, 134,6 tỷ từ nguồn huy động xã hội hóa) để đầu tư cho di tích.
Rõ ràng, so với nhiều huyện khác mới đầu tư được khoảng hơn 10 tỷ đồng tiền ngân sách cho công tác tu bổ di tích thì một việc xây dựng đề án, bảo tồn hiệu quả với nguồn kinh phí vài trăm tỷ như huyện Gia Lâm là một điểm sáng trong công tác bảo tồn di sản.Gỡ vướng về cơ chếTự hào là nơi sở hữu số lượng di tích lớn nhất cả nước, Hà Nội đồng thời cũng phải đối mặt với tình trạng nhiều di tích xuống cấp. Trước tình hình cấp bách này, nhiều năm qua, TP đã dành tâm sức, kinh phí cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích; đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Mỗi năm, Thủ đô dành hàng trăm tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ra, tại các địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân có sáng kiến hay, cách làm hiệu quả. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 460 tỷ đồng huy động từ cộng đồng, với 319 lượt di tích được tu bổ.Trong Quy hoạch phát triển văn hóa TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hàng năm thực hiện khoảng 20% việc chống xuống cấp và tu bổ tôn tạo di tích cấp TP bằng nguồn kinh phí ngân sách và xã hội hóa. Thực hiện theo hướng ưu tiên, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng, nhằm khơi thông mọi nguồn lực. Rất nhiều di tích trên địa bàn TP đã kịp thời được tu bổ từ nguồn vốn đầu tư chống xuống cấp theo đề án. Tuy nhiên, nguồn ngân sách để tu bổ hàng trăm di tích xuống cấp nghiêm trọng, hơn 1.000 di tích xuống cấp sẽ cần cả nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách của Nhà nước chắc chắn là không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tế.Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Phúc Thọ Vũ Hồng Hải cho rằng: “Bên cạnh dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách, các địa phương cần linh hoạt kêu gọi nguồn xã hội hóa để góp phần bảo tồn di tích. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần bổ sung quy định cụ thể về việc thực hiện quy trình quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích có sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trong Nhân dân để địa phương thống nhất thực hiện”.TS Lê Thị Minh Lý – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản cũng đồng tình quan điểm, các địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Đồng thời khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Các địa phương nên thành lập Ban Giám sát với thành viên là đại diện các phòng, ban liên quan, Nhân dân để kịp thời ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, phá vỡ yếu tố gốc cấu thành di tích, như đã từng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước.Giữ bằng được danh hiệu thành phố di sảnCông tác xã hội hóa bảo tồn di tích, di sản văn hóa đã góp phần chống xuống cấp di tích, khôi phục lễ hội truyền thống, phát huy giá trị của di tích trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa được triển khai ở nhiều địa phương với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục hoạt động văn hóa, lễ hội. Với ý thức tôn trọng quá khứ, lòng tự hào về tổ tiên của Nhân dân, công tác xã hội hóa bảo tồn di tích đã mang lại kết quả tích cực.Thời gian, thiên tai khiến nhiều di tích bị xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo trong khi nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế thì cần thiết phải có nguồn lực từ xã hội hóa. Chỉ tính trong 10 năm (2010 - 2020), số tiền thu được từ nguồn vốn xã hội hóa dành cho bảo tồn, trùng tu di tích của quận, huyện trung bình 2,5 - 3,5 tỷ đồng/năm (riêng năm 2020 là gần 30 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, Nhân dân ngày càng quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo di tích. Có thể thấy, xã hội hóa bảo tồn di tích, di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.Tuy nhiên, trong xã hội hóa bảo tồn di sản, đâu đó vẫn còn quan niệm “cứ có tiền muốn làm gì cũng được”. Điều này dẫn đến thực tế là có nơi, người dân sẵn sàng công đức hàng tỷ đồng nhưng lại yêu cầu phá bỏ di tích cũ, xây dựng di tích mới theo thiết kế, phong cách… hiện đại. Hoặc có người cúng tiến đồ vật có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng không hợp với không gian văn hóa lịch sử của di tích. Mặt khác, cũng có nơi, số tiền công đức thu bị sử dụng sai mục đích, không bảo đảm nguyên tắc kỹ thuật, mỹ thuật, kiểu dáng, phong cách nghệ thuật cổ truyền; chưa chú trọng khắc phục những phần kiến trúc đang xuống cấp, thậm chí việc trùng tu tôn tạo còn làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc, phá vỡ cảnh quan của di tích, làm sai lệch yếu tố gốc. Di sản văn hóa là tài sản của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, người dân cần nâng cao nhận thức trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; các địa phương cần gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, đời sống văn hóa cộng đồng. (Còn nữa)
"Đất nước và Thủ đô đang bước vào thời đại 4.0, thế giới phẳng… Nhiều cơ hội đi kèm những thách thức đặt ra cho lĩnh vực bảo tồn di sản, đòi hỏi cần có nhận thức mới trong công tác bảo tồn. Di sản tạo nên sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, TP đã khai thác thành công giá trị di sản để phát triển du lịch. Di sản còn là nền móng, là cảm hứng để các nhà thiết kế, nghệ sĩ… cho ra đời những tác phẩm, sản phẩm của công nghiệp văn hóa phù hợp điều kiện của các đô thị hiện đại. Trong bối cảnh ấy, bảo tồn phát huy giá trị di sản là một trong những nhân tố chủ chốt để xây dựng Hà Nội trở thành một TP sáng tạo. Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách đi trước cả nước về văn hóa nói chung, trong gìn giữ di sản nói riêng. Song, hệ thống ấy cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hiệu quả nhất nguồn lực, sức sáng tạo của cộng đồng, đưa Hà Nội trở thành một TP sáng tạo nổi bật trong khu vực và trên thế giới." - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam PGS.TS Bùi Hoài Sơn Số lượng di tích quá lớn, có niên đại rất lâu, cần kinh phí tu sửa nhiều. Do đó, thứ nhất, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành, từ T.Ư, TP tới địa phương. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức cho người dân, kể cả những người làm công tác quản lý di tích về những giá trị vĩnh cửu, trường tồn của di tích, hiện vật để có hướng bảo tồn phù hợp. Đặc biệt, rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong công tác tư vấn, nghiên cứu, tu bổ di tích. Ngay cả công tác bảo quản, xử lý, bảo vệ hiện vật sau khi được kiểm kê cũng đang là vấn đề nan giải... Để đáp ứng yêu cầu hiện nay công tác quản lý di tích, hiện vật cần được xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương, tới từng di tích bằng một phần mềm, phân cấp cụ thể theo phạm vi, đối tượng để đảm bảo an toàn cho hiện vật. Có như vậy, giá trị kiến trúc cũng như hiện vật của các di tích và giá trị tinh thần của các lễ hội truyền thống mới được phát huy một cách đầy đủ, sinh động." - Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương (Linh Anh ghi) |