Đá lát vỉa hè tuổi thọ 70 năm xuống cấp: Rất cần ý kiến chuyên gia

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, một trong những câu chuyện được đề cập nhiều, đó là những viên đá lát vỉa hè được cho là có độ bền 70 năm, mới sử dụng vài năm đã vỡ, gãy phải thay thế trên một số tuyến phố.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng không khó bắt gặp những hình ảnh đáng buồn về các vỉa hè có tuổi thọ 70 năm trong tình trạng khá thảm thương như vỉa hè đường Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)…

Điểm vỉa hè đoạn Trần Phú giao Nguyễn Khuyến (Hà Đông). Ảnh: Bảo Minh  
Điểm vỉa hè đoạn Trần Phú giao Nguyễn Khuyến (Hà Đông). Ảnh: Bảo Minh  

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, theo đó, đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Tuy nhiên, khi hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, tuổi thọ của những phiến đá lát này không thực sự kéo dài như mong đợi. Nhiều đoạn vỉa hè được lát mới đã xuống cấp nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm.

Có khá nhiều nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này, từ chọn vật liệu, thi công, sử dụng. Có những nguyên nhân chỉ bằng những quan sát bình thường cũng nhận biết được như việc các phương tiện cơ giới, xe máy, xe du lịch thậm chí là xe tải đè nát vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Cũng có nguyên nhân đòi hỏi người có hiểu biết về kỹ thuật mới nhận ra, như quy trình thi công lát đá không phù hợp. Khó nhận biết hơn, là những nguyên nhân trong việc lựa chọn vật liệu, thậm chí sâu xa như nguyên nhân tiềm ẩn từ quá trình khai thác, chỉ các chuyên gia mới hiểu và chỉ ra được.

Chỉ có điều đáng tiếc là những nguyên nhân ấy hầu hết chỉ được nêu ra khi sự đã rồi, những viên đá lát vỉa hè được cho là có tuổi thọ 70 năm đã vỡ nát sau một vài năm sử dụng và ngân sách TP đã và đang phải bỏ ra những khoản kinh phí không nhỏ để sửa sang, bảo dưỡng thậm chí lát mới những đoạn vỉa hè như vậy ở nhiều nơi trong TP.

Sự việc lại làm ta nhớ tới câu chuyện xảy ra với số phận của hàng phong lá đỏ được trồng năm 2018 trên đường Nguyễn Chí Thanh và chết khô rồi được bưng đi vào năm 2021, khi chưa đáp ứng một kỳ vọng khá lãng mạn là đem mùa Thu vàng xứ ôn đới về với Hà Nội thuộc xứ nhiệt đới gió mùa. Khác nhau về thời điểm diễn ra, về mục đích hướng tới, nhưng hai sự việc đều có chung một kết cục không mấy tốt đẹp và nhận phản ứng không thuận của dư luận người dân.

Một điểm chung nữa là sau khi thất bại, hai việc này nhận được khá nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân, trong đó có nhiều ý kiến của các chuyên gia.

Từ câu chuyện trên, xin nêu hai đề xuất: Một là để tránh vết xe đổ của “phong lá đỏ” và “đá có độ bền 70 năm” trước khi thực hiện một dự án nào đó, cơ quan chức năng phụ trách cần tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là các chuyên gia. Mà lấy ý kiến một cách thực sự cầu thị, biết lắng nghe chứ không phải làm cho có.

Thứ hai, với trách nhiệm và tình yêu TP, mỗi người dân, đặc biệt là các chuyên gia có quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến cho công việc trên cơ sở hiểu biết và lĩnh vực chuyên môn của mình. Tránh hiện tượng chỉ “góp ý” sau khi sự việc đã không thể khác.

Hai đề xuất trên hoàn toàn không có gì mới, thậm chí là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” nhưng vẫn cứ phải nhắc lại vì xem ra nó bị lãng quên, hoặc thực hiện một cách chiếu lệ, rất thiếu trách nhiệm. Cũng cần nhấn mạnh, trong những công việc cần sự hiểu biết chuyên sâu như trồng phong lá đỏ hay chọn đá lát vỉa hè đô thị, rất cần ý kiến của các chuyên gia có trình độ chuyên môn trong những lĩnh vực đó cũng như tinh thần trách nhiệm với việc chung của cộng đồng. Và tất nhiên những ý kiến đó phải được đưa ra đúng thời điểm, đúng địa chỉ cần thiết!