Đại án tại Oceanbank: “Đường đi” của 500 tỷ đồng như thế nào?

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày làm việc thứ 3 phiên xử đại án tại Oceanbank, HĐXX tiếp tục xét hỏi liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng. Liên quan đến số tiền này, trước tòa Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn liên tục “tố” nhau…

Ngày 1/3, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (Oceanbank) cùng 47 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.
500 tỷ đồng “chạy” lòng vòng
Tại phiên tòa, HĐXX thẩm vấn những người liên quan để làm rõ đường đi của số tiền 500 tỷ đồng. Theo lời khai của Phạm Công Danh, sau khi được Oceanbank giải ngân 500 tỷ đồng, số tiền đó lại chạy vào tài khoản của công ty Trung Dung ở ngân hàng Đại Tín. Theo ông Danh, ông ta không biết gì về dòng tiền này.
Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 1/3.
Trước lời khai của ông Thắm - có yêu cầu ký kết Đại Tín phải phong tỏa khoản 500 tỷ đồng, đại diện Ngân hàng Xây dựng phủ nhận và cho rằng, ngày 6/10/2014, Oceanbank có gửi sang cho Đại Tín gửi bản photo, chứ hiện tại ngân hàng chưa bao giờ nhìn thấy bản cam kết này là bản chính. Chúng tôi chỉ biết lần đầu tiên là 6/10/2014.
Khi HĐXX đặt câu hỏi: Trong hồ sơ thể hiện rằng Đại Tín - Trung Dung - Đại Dương có thỏa thuận 3 bên, trong đó đại diện cho Đại Tín là ông Trần Xuân Nam, ông Trần Văn Bình của Trung Dung và ông Nguyễn Văn Hoàn của Đại Dương ký? Đại diện Ngân hàng Xây Dựng trình bày: Sau khi ông Danh vào, ngân hàng đổi tên thành NH Xây dựng, sau khi NHNN mua lại 0 đồng thì chúng tôi không còn lưu tài liệu nào. Vấn đề này phải hỏi lại ngân hàng từ nhóm bà Phấn.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn, khoản vay 500 tỷ đồng sau khi đi lòng vòng được chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang tất toán rồi chuyển thành sổ tiết kiệm và chuyển vào tài khoản bà Phấn tại Đại Tín. Đại diện Ngân hàng Xây dựng nói: Chúng tôi lưu ý rằng có một khoản 500 tỷ từ Trung Dung Vietcombank Chi nhánh Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) chuyển vào Trung Dung tại Ngân hàng Xây dựng. Sau đó công ty Trung Dung ủy nhiệm chi cho 4 cá nhân trong đó có ông Phạm Công Danh. Trong cùng ngày 10/12/2012 đồng thời mở 4 sổ tiết kiệm tương ứng 4 bản chi ra. Đến 27/12/2012 các sổ này được tất toán trước thời hạn, sau đó chuyển để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng cho 5 cá nhân...
Hà Văn Thắm bị “tố” đe dọa… Đại Tín
Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm Ngân hàng Đại Tín về Ngân hàng Đại Dương nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín để đặt vấn đề chuyển giao lại Đại Tín cho Thắm…
Tại phiên tòa, bà Ngô Kim Lan - đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín) cho biết, khoảng tháng 2/2012, bị cáo Thắm có ký hợp đồng kinh tế mua lại gần 85% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín với nhóm bà Phấn. Để hợp đồng diễn ra nhanh gọn, Thắm đã có lời lẽ đe dọa về hoạt động của Ngân hàng Đại Tín. Vì vậy, bà Phấn buộc chỉ đạo con cháu, cổ đông giao cổ phần cho Thắm. "Để bà Phấn đưa khối tài sản ra thế chấp, anh Thắm đã có những lời gay gắt. Bà Phấn đã 70 tuổi, gia đình lúc đó nghe đến tù tội rất sợ nên bảo làm gì là làm vậy. Việc bà Phấn bị cưỡng ép đưa tài sản thế chấp vào Oceanbank có cả lời khai của Thắm. Ngoài việc phát hiện sai phạm của Thắm, bản thân gia đình bà Phấn cảm thấy mình bị cưỡng đoạt, bị o ép nên viết đơn tố cáo ra công an" - bà Ngô Kim Lan trình bày với HĐXX.
Hà Văn Thắm và bà Ngô Kim Lan - đại diện nhóm của bà Hứa Thị Phấn trả lời tại tòa ngày 1/3.
Và sau khi ký kết hợp đồng, Thắm đã “ôm” hết cổ phiếu rồi ra Hà Nội ngay và để lại nhân viên vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, đến tháng 4/2012, do có nhiều đối tác khác muốn mua lại Ngân hàng Đại Tín nên bà Phấn xin lại Thắm cổ phần nhưng không được. Đến khoảng tháng 6/2012, bị cáo Thắm đưa Danh đến gặp bà Phấn. Đồng thời, tác động để nhóm cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín phải chấp nhận bán lại cổ phần cho Danh.
Sau đó, Danh cho người vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín. Đồng thời nói với bà Phấn đang muốn vay Oceanbank một khoản tiền nhưng đất của Danh ở Tô Hiến Thành (TP Hồ Chí Minh) không thế chấp được. Vì vậy, Danh mượn bà Phấn tài sản trong 3 tháng để vay Oceanbank nhưng hợp đồng mượn tài sản lại ghi thời gian không quá 1 năm. Và ngay khi Danh có đất ở Tô Hiến Thành phải mang vào thay đất của bà Phấn.
Tiếp đó, khi bị HĐXX truy về động cơ, mục đích cho mượn tài sản bảo đảm, bà Lan cho hay, do bà Phấn thấy Thắm và Danh là những doanh nhân lớn và khi tiếp nhận chuyển giao Ngân hàng Đại Tín đều bày tỏ quyết tâm làm cho ngân hàng này hoạt động tốt lên. Đặc biệt, không sa thải nhân viên nên bà Phấn đã vận động người thân, con cháu cho Danh mượn nhiều bất động sản và cổ phiếu… Cũng theo bà Lan, trong quá trình giải quyết vụ án này, người thân và con cháu bà Phấn đã có nhiều đơn thư kêu cứu về việc Thắm không chỉ ép buộc bán Ngân hàng Đại Tín mà còn buộc phải cho mượn tài sản để bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng của Danh.
Liên quan đến nội dung này, tại phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn (thẩm phán thứ 2 trong HĐXX) cũng cho biết một số tài liệu thể hiện việc nhóm bà Phấn bị ép buộc kèm theo đơn thư kêu cứu cũng đã được tiến hành giám định. Kết quả cho thấy chúng không hề bị cắt ghép.
Đáp lại, ông Danh cho rằng, bà Phấn đã chủ động cho mình mượn tài sản để vay tiền Oceanbank bởi tình hình Ngân hàng Đại Tín lúc đó rất xấu. Bởi, Ngân hàng Đại Tín có nợ xấu 95% và đứng trước nguy cơ vỡ thanh khoản…
Còn Hà Văn Thắm thì chối bỏ những lời trình bày của đại diện nhóm bà Phấn tại phiên tòa. Theo cựu Chủ tịch Oceanbank, việc bị án Danh và bà Phấn trao đổi, bàn bạc nhau thế nào khi dùng tài sản bảo đảm đối với khoản vay 500 tỷ đồng, bị cáo không hề hay biết.