Tại phiên tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về kháng cáo trong vụ án.Theo đại diện VKS, tại thời điểm khởi tố vụ án, VNCB vốn chủ sở hữu âm hơn 18.400 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 16.700 tỷ đồng. Hậu quả trên do hành vi phạm tội của bị cáo Danh và đồng phạm gây ra.
Về hành vi lập khống hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại hơn 63 tỷ đồng, VKS cho biết, bị cáo Danh là người chỉ đạo và các đồng phạm có vai trò giúp sức. Đối với hành vi lập hồ sơ thuê hai mặt bằng tại Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại hơn 400 tỷ đồng, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là có căn cứ. Trong đó, bị cáo Danh giữ vai trò chỉ đạo và các bị cáo khác giữ vai trò giúp sức. Ở hành vi này, các bị cáo đã vi phạm quy định trong việc giải ngân số tiền quá 20% vốn điều lệ mà không thông qua HĐQT. Đồng thời, việc này đã bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” nhưng vẫn thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất. Về hành vi ủy thác cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt để rút của VNCB số tiền hơn 900 tỷ đồng, VKS cho rằng, các bị cáo đã giải ngân quá vốn điều lệ, không thông qua tổ giám sát nhà nước, làm trái quy định Luật các tổ chức tín dụng…. Vì vậy, cấp sơ thẩm xác định hành vi của các bị cáo là có căn cứ. Còn về việc rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay gây thiệt hại 5.490 tỷ đồng, đại diện VKS khẳng định, số tiền 5.190 tỷ đồng là việc rút tiền bằng các hành vi vay giả tạo nên gây thiệt hại cho VNCB. Ở hành vi này, bị cáo Danh cũng được xác định có vai trò chỉ đạo.Đối với tội vi phạm quy đinh về cho vay 5.000 tỷ đồng của VNCB thông qua 14 pháp nhân (trong đó có 12 pháp nhân là công ty do Danh lập ra), tài sản cầm cố là sân vận động Chi Lăng và khu bất động sản tại 209 Trường Chinh (Đà Nẵng), VKS cho rằng, các công ty của bị cáo Danh không hoạt động kinh doanh, một số công ty hoạt động nhưng thua lỗ, tài sản đảm bảo là của Tập đoàn Thiên Thanh được Danh chỉ đạo nâng giá gần 4 lần thực tế. Hành vi này của bị cáo Danh đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.000 tỷ đồng. Do đó, tòa cấp sơ thẩm xác định các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” có căn cứ.Còn đối với kháng cáo của các bị cáo, VKS nhận thấy, Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo, phân công các thuộc cấp tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện các hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Danh mức án 30 năm tù có căn cứ, không oan và phù hợp. Tương tự, đối với các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết… VKS cũng khẳng định, không có cơ sở giảm nhẹ so với mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.Riêng bị cáo Doãn Quốc Long kêu oan liên quan đến khoản vay của Công ty Đại Hoàng Phương, VKS cho rằng, là cán bộ tín dụng, Long không tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, không tiếp xúc với khách hàng mà chỉ thẩm định hồ sơ vay vốn, xác định tài sản đảm bảo dựa trên chứng thư thẩm định… nhưng vẫn đề xuất cho vay 280 tỷ đồng. Vì vậy, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo tội vi phạm quy định về cho vay là có căn cứ, không oan sai.Đối với các bị cáo khác nguyên cán bộ ngân hàng, Công ty định giá AMC và các giám đốc làm thuê, theo VKS, hậu quả gây ra của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và mức án sơ thẩm đã tuyên phạt dưới khung nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.Việc yêu cầu giải chấp các số tiết kiệm liên quan đến kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, VKS cũng cho rằng, không có cơ sở chấp nhận. Kháng cáo của khách hàng gửi tiền về một số khoản tiền tỷ được cấp sơ thẩm quyết định thu hồi và phong tỏa bất động sản ở Long Hải cũng không được VKS chấp nhận.Về kháng cáo của bà Quách Kim Chi (vợ bị cáo Danh) liên quan đến cổ phần tại Tập đoàn Thiên Thanh, đồng hồ và nhẫn được cho là kỷ vật, 3 bất động sản đứng tên của hai vợ chồng ở TP Hồ Chí Minh, VKS cho biết, quyết định của tòa cấp sơ thẩm đúng quy định nên không chấp nhận kháng cáo…