Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Có nước nào sửa 37 luật liên quan đến 1 luật như chúng ta không?

Hồ Hạ - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là câu hỏi ĐB Quốc hội Nguyễn Doãn Anh đặt ra tại cuộc thảo luận ở tổ, chiều 24/10, về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Hầu hết các ĐB đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành; góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
 Hình ảnh tại buổi thảo luận tổ Đoàn DDaB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội ngày 24/10.
Tuy nhiên, các ĐB bày tỏ băn khoăn về một số vấn đề. ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề: “Giữa báo cáo và tờ trình của Chính phủ với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có những điểm chưa thống nhất. Trong tờ trình của Chính phủ, phần lớn các quy hoạch của các ngành có xu hướng thay đổi, điều chỉnh nội dung. Trong khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, một số quy hoạch mang tính chất ngành cần lược bỏ hoặc giữ lại, trong đó, số quy hoạch cần lược bỏ nhiều hơn”.
“Tôi đồng tình rằng, những quy hoạch mang tính quy hoạch sản phẩm thì bỏ đi. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý nhà nước. Do đó, những nội dung, đối tượng nhà nước còn cần quản lý thì phải giữ lại”, ĐB Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Trong tờ trình của Chính Phủ vẫn giữ lại quy hoạch tỉnh, nhưng Ủy ban Kinh tế lại cho rằng không cần giữ. Vấn đề đặt ra là quy hoạch tỉnh vẫn là căn cứ để quy hoạch xây dựng một loạt các quy hoạch khác. Nếu không còn quy hoạch tỉnh, sẽ dẫn đến việc không thực hiện được quy hoạch liên vùng, cũng như không có căn cứ xây dựng các quy hoạch khác trên phạm vi cấp tỉnh. “Tôi đề nghị giữ lại quy hoạch tỉnh”, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
 ĐB Hoàng Văn Cường.
Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường: Liên quan đến vấn đề quy hoạch đất đai, trong tờ trình của Chính phủ vẫn còn phương án quy hoạch đất đai tỉnh, lồng trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch này. Chúng ta phải hiểu rằng, quy hoạch thực chất là phân bổ các nguồn lực sao cho hợp lý, hiệu quả. Nếu có cách phân bổ khác nhau, hiệu quả đất đai sẽ khác nhau, nên nguồn lực đất đai không thể không có quy hoạch.
Bên cạnh đó, theo ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ quy hoạch đất trồng lúa, vì không phù hợp. Nhưng thực tế, lúa là tài nguyên của nhân loại vì diện tích trồng lúa trên thế giới không nhiều. “Một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam càng không thể bỏ quy hoạch đất trồng lúa”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Liên quan đến các quy hoạch về giao thông, ĐB Hoàng Văn Cường đồng ý với 4 loại quy hoạch. Nhưng, ĐB muốn nhấn mạnh hơn là 4 quy hoạch này phải có kết nối chặt chẽ. ĐB Hoàng Văn Cường dẫn chứng: “Quy hoạch giao thông đường bộ và quy hoạch giao thông đường thủy phải có sự kết nối. Một cảng biển không thể tách rời trung tâm logistic…”
Cuối cùng, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, việc xây dựng luật quy hoạch không có nghĩa là dồn các quy hoạch khác nhau vào làm một mà các quy hoạch khác nhau đó được tích hợp, cùng đặt trên một mặt bằng, và trên mặt phẳng ấy có nhiều lớp, các lớp không sai lệch, chồng chéo, dẫm đạp lên nhau.
 ĐB Nguyễn Doãn Anh.
Bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về Dự án sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến Luật Quy hoạch, từ quan điểm xây dựng luật cho đến bố cục, nội dung cơ bản của luật. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Doãn Anh (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc phải lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật liên quan sửa đổi, bổ sung phù hợp với luật gốc. Mặt khác, tránh lợi dụng kẽ hở để điều chỉnh luật, tạo lợi ích nhóm.
Về việc sửa 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐB Nguyễn Doãn Anh đặt câu hỏi: “Không biết có nước nào sửa luật như chúng ta hay không? Tôi đồng ý là chúng ta đang trong quá trình phát triển, thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, sửa đổi luật có liên quan đến Luật Quy hoạch là hết sức hữu quan. Tuy nhiên, sửa 37 luật liên quan đến 1 luật là quá nhiều và gây khó khăn khi triển khai thực hiện”, ĐB Bày tỏ.
Riêng Luật liên quan đến năng lượng nguyên tử, ĐB Nguyễn Doãn Anh cho rằng,  chúng ta cần thận trọng và quy định hết sức chặt chẽ. Bởi, năng lượng nguyên tử như “con dao hai lưỡi” và liên quan đến vấn đề thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn, cũng như xử lý bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố.
 ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh).
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sửa 37 luật là rất khó vì trong mỗi luật lại tách riêng ra các điều, sẽ phá vỡ tính hệ thống của các luật đã ban hành trước. “Do đó, đề nghị ban hành luật chỉ gói gọn trong hai điều: Tất cả những điều trong luật hiện hành mà trái thì cần sửa đổi, ban hành liền để thực hiện ngay Luật Quy hoạch. Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát lại và tham mưu để điều chỉnh các luật khác”, nữ ĐB nói.
Còn theo ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh), trong quy hoạch đã tích hợp hầu hết các ngành kinh tế - xã hội của một địa phương trong quy hoạch chung. Tuy nhiên, hiện nay rất khó khăn vì nếu tích hợp vào trong quy hoạch chung thì chỉ mang tính định hướng. Vì vậy, cần phải có quy hoạch cụ thể dựa trên đòi hỏi của thực tế và phải được cụ thể hóa bằng các phương án ngắn hạn, trung hạn.
 ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh)
Trước đó, sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Việc ban hành Dự án Luật này được lý giải để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Theo đó, Dự Luật này sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch, liên quan đến nhiều lĩnh vực giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Dự Luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc. Bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau…