Đặt tính mạng người dân lên trên hết

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thời gian gần đây, câu chuyện an toàn trên cao tốc được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi cơ quan chức năng phát hiện tới hơn 100 điểm bất hợp lý trên những cung đường này. Các vấn đề đã được mổ xẻ, bàn thảo nhằm tìm ra biện pháp giải quyết triệt để nhất.

Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có chức năng liên quan sớm khắc phục những tồn tại trên cao tốc.

Trong những năm gần đây, với chủ trương và nhiều quyết sách quyết liệt của các cơ quan T.Ư, hệ thống đường bộ cao tốc tại Việt Nam đã có sức bật đáng mừng. Với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km và đến nay đã được khai thác, sử dụng 9 tuyến với chiều dài 1.708km. Qua đó, tạo mạng lưới thông thương kinh tế giữa các vùng, miền, địa phương trên cả nước được thuận lợi hơn rất nhiều. Tạo đà cho các khu vực này khởi sắc về mọi mặt.

Tuy nhiên, những thành công đó thực sự chưa hoàn hảo, bởi xuất hiện một vài điểm màu xám. Việc đầu tư phân kỳ, nguồn vốn hạn chế… khiến vài tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe khi đưa vào sử dụng. Và nó cũng vô tình “mang vạ” khi xảy ra những tai nạn giao thông thương tâm mà trong đó có nguyên nhân từ ý thức của lái xe không tuân thủ đúng quy tắc tham gia giao thông, cũng như xuất phát từ những bất cập (quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì) của cao tốc mới đưa vào khai thác.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng trong năm 2023, qua khảo sát trên các tuyến do Cục Cảnh sát giao thông quản lý đã phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông. Đến nay, ngành giao thông đã chỉ đạo khắc phục xong 77 mục; 21 mục đang thực hiện hoàn thành trong năm 2024 và 34 mục chưa được thực hiện, trong đó có một số mục là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Những vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, tai nạn xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, điển hình là 2 vụ ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Nội Bài - Lào Cai đầu năm 2024. Ngoài ra, những đoạn, tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm... liên tục xảy ra tai nạn giao thông do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng. Ví dụ như chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không bảo đảm hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế...

Về vấn đề này, ngày 21/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 16/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương…, đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ. Trong đó, riêng với Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu ngay những giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả và kiểm soát tốt nhất các hoạt động giao thông để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; Chủ trì, phối hợp với các địa phương… thực hiện đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, nhất là đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe…

Tại hội thảo “Công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên các tuyến đường cao tốc - Thực trạng và giải pháp” tổ chức hôm 19/3, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quý I/2024, Bộ GTVT sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc. Các cơ quan chức năng sẽ bố trí nguồn lực sao cho việc xây dựng các tuyến đường cao tốc phải bảo đảm hoàn thiện. Khi có quy chuẩn này, chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe mà đầu tư phải tối thiểu 4 làn xe… Đó là thông tin rất đáng mừng và người dân kỳ vọng những tồn tại trên toàn hệ thống cao tốc của Việt Nam được sửa chữa kịp thời, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản khi di chuyển.