Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây

Dấu ấn trăm năm sáng soi “miền di sản”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây thật sự trở thành đêm tiệc rực rỡ, nhiều màu sắc, một nét chấm phá trong bức tranh văn hóa xứ Đoài với những gam màu tươi tắn, tràn đầy lạc quan và tin tưởng vào tương lai.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo TP lãnh đạo tặng hoa chúc mừng thị xã Sơn Tây.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo TP lãnh đạo tặng hoa chúc mừng thị xã Sơn Tây.

Tối 12/11, tại di tích Thành cổ Sơn Tây đã diễn ra lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022), và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch xứ Đoài.

Đến dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.

Về phía địa phương có Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán; Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội và thị xã Sơn Tây.

Tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, Thành cổ Sơn Tây được hoàn thành vào đời vua Minh Mạng thứ 3 triều Nguyễn năm 1822. Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng và củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, Thành cổ còn ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc cổ độc đáo và tinh tế.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ.

“Với vị trí địa lý quan trọng, trung tâm kết nối vùng Tây Bắc Thủ đô, Sơn Tây là nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài, mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa tứ trấn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội” - ông Trần Anh Tuấn nói và nhấn mạnh, Thành cổ Sơn Tây từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung. Công trình này có vai trò là một trong “tứ trấn” thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là di tích trọng điểm trong chuỗi các di sản nổi tiếng của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài.

Ý thức được sứ mệnh của văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước thời gian vừa qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch. Trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, văn hóa và trải nghiệm trên cơ sở khai thác, phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người. Đặc biệt, năm nay thị xã đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây nhằm tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch.

“Đây là những sự kiện lớn trong Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 17 Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để thị xã tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, quảng bá các sản phẩm, điểm đến du lịch đặc sắc của thị xã, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị” - Bí thư Thị ủy Sơn Tây khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ.

Tạo đà phát triển du lịch văn hóa xứ Đoài

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Do đó, lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được tổ chức là một trong những tiền đề quan trọng, nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.

Với di tích Thành cổ Sơn Tây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định, đây là tòa thành duy nhất được xây dựng bằng đá ong ở Việt Nam, một trong bốn “trọng trấn” của đất Thăng Long xưa, chứng tích cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thành cổ Sơn Tây là biểu tượng cho các giá trị văn hóa mang đậm nét của vùng đất Sơn Tây mà bao thế hệ người dân nơi đây đã sáng tạo và xây dựng nên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, việc bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây đã và đang góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này; đồng thời, khơi dậy tiềm năng, xúc tiến phát triển du lịch văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của Sơn Tây - xứ Đoài.

Buổi lễ có sự tham gia của nhiều đại biểu là lãnh đạo TP qua các thời kỳ.
Buổi lễ có sự tham gia của nhiều đại biểu là lãnh đạo TP qua các thời kỳ.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử gắn với di sản văn hóa địa phương; Coi trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch dịch vụ; quan tâm phát triển để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân thị xã tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, cũng như các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã và coi đó là niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - du lịch của Thủ đô trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.

 

Nhân dịp lễ kỷ niêm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Bí thư Thị ủy Sơn Tây đại diện cho Đảng bộ, chính quyền và người dân Sơn Tây tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các đơn vị, hiệp hội, trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành tăng cường đầu tư, hợp tác, giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp điều hành đưa đón khách tham quan du lịch đến với Sơn Tây, để ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của thị xã ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây cũng khẳng định, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã sẽ tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng đẹp, văn minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần