Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Davos 2024 và bài toán "tái thiết niềm tin"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trấn Alpine nhỏ bé của Thụy Sĩ một lần nữa là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nơi các chuyên gia hàng đầu thế giới về tài chính và chính trị quy tụ để tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất của hành tinh.

Chủ đề "Tái thiết niềm tin” của Diễn đàn nhấn mạnh tầm quan trọng cần thiết phải khôi phục niềm tin giữa những thách thức toàn cầu nhiều mặt, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và những tiến bộ trong công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI). Trong cuộc khảo sát "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2024" được công bố vào ngày 10/1, WEF nhận định, nguy cơ can thiệp vào kết quả các cuộc bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất vào năm 2024 liên quan tới AI.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 bắt đầu kể từ 15/1 (giờ địa phương) tại Thụy Sĩ. 
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 bắt đầu kể từ 15/1 (giờ địa phương) tại Thụy Sĩ. 

Trong bảng xếp hạng 10 rủi ro lớn nhất trong hai năm tới, thông tin sai lệch có nguồn gốc từ AI được đặt lên trên biến đổi khí hậu, chiến tranh và nền kinh tế toàn cầu suy yếu.

Ai tham dự WEF 2024?

Hơn 100 chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 doanh nghiệp đối tác của Diễn đàn dự kiến sẽ tham dự cùng với các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà hoạt động thanh niên, doanh nhân xã hội và giới truyền thông.

 

Từ ngày 16-23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024 và thăm chính thức Hungary và Rumani.

Danh sách của Davos có những nhân vật nổi bật, bao gồm Ajay S. Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới; Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA); Cindy H. McCain, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP); Mohammad Abdulla AlGergawi, Bộ trưởng Nội các UAE; và Mirjana Spoljaric Egger, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

Liên minh quản trị AI

Cụ thể, chương trình nghị sự của WEF 2024 xoay quanh bốn chủ đề quan trọng. Đó là (1) đạt được an ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt, (2) Tạo việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới, (3) Trí tuệ nhân tạo là động lực cho nền kinh tế và xã hội: Tận dụng AI vì lợi ích xã hội đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác như 5/6G và điện toán lượng tử và (4) Chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng. 

Một sáng kiến đáng chú ý của Diễn đàn là Liên minh Quản trị AI. Liên minh này, bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms nhằm mục đích định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Cam kết của họ đối với các hệ thống AI minh bạch, toàn diện nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ và sự cần thiết của một cách tiếp cận cân bằng đối với sự đổi mới và tác động xã hội.

Đóng góp của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, tại WEF Davos 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có một chương trình liên tục các hoạt động, trong đó bao gồm: tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng (trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam); chủ trì nhiều toạ đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

"Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong 8 Lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ Ngoại gia thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham gia, đóng góp tích cực tại Hội nghị.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thời cơ và thách thức, xu hướng điều chỉnh của kinh tế thế giới cả về cơ cấu và mô hình, tác động đến phát triển của thế giới và từng quốc gia; Từ những kinh nghiệm và bài học của Việt Nam và ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ sẽ đề xuất những giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tái thiết lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giữa chính phủ với doanh nghiệp và các đối tác nhằm chia sẻ trách nhiệm chung, xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội.

Đặc biệt, tại WEF Davos 2024, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh đóng góp trách nhiệm trong xử lý các thách thức toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng….