Sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm phát triển văn hóa đọc
Tham gia đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn tỉnh Nghệ An) bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Đây là sự tiếp nối, cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định vị trí quan trọng của văn hoá đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Góp ý kiến vào nội dung cụ thể trong dự thảo nội dung Chương trình, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhất trí với việc xem phát triển văn hoá đọc là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các giải pháp phát triển văn hoá đọc trong dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia chủ yếu mới thiên về điều kiện cần (tức là điều kiện về khả năng tiếp cận với sách của người dân thông qua hệ thống thư viện).
Đại biểu phân tích, thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển văn hoá đọc. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số thư viện công cộng với hơn 6.000 thư viện, quốc gia đứng thứ hai là Thái Lan có khoảng 2.000 thư viện công cộng. Trong khi đó, tỷ lệ số người có thói quen đọc sách ở Việt Nam chỉ khoảng 20%, còn ở Thái Lan là khoảng 86%, Singapore là khoảng 80%. Trung bình mỗi năm người Việt chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách thì số lượng này ở Singapore, Malaysia, Thái Lan là từ 10 đến 15 quyển sách.
Đại biểu cho rằng, để phát triển văn hoá đọc thì không chỉ cần phát triển hệ thống thư viện mà cần có những chương trình khuyến đọc hiệu quả, khuyến khích văn hoá đọc sách của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung các mục tiêu cụ thể đến năm 2035 để đánh giá chính xác hơn về việc phát triển văn hoá đọc như tỷ lệ người dân có thói quen đọc sách; số lượng trung bình số sách mỗi người dân đã đọc hàng năm; mức tăng số lượng sách được xuất bản hàng năm…
Cùng với đó, cần nghiên cứu để bổ sung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia một số chương trình khuyến đọc hiệu quả. "Hiện nay chúng ta đã có những chương trình như Ngày sách quốc gia, Tuần lễ đọc sách nhưng tác động của các chương trình này chưa tạo ra kết quả lâu dài, bền vững. Vì vậy, cần nghiên cứu để có những chương trình khuyến đọc hiệu quả hơn" - đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu.
Thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp còn hạn chế
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Thị Song An cho rằng, phát triển công nghiệp văn hoá có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Công nghiệp văn hóa hiện là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước và có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Đại biểu cho rằng đây là mục tiêu đầy triển vọng và đề nghị, Chương trình phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này thì lĩnh vực nào cần tập trung nguồn lực đầu tư, lĩnh vực nào cần xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như: Luật Di sản văn hóa; Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa…nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Quan tâm đến xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là việc đầu tư các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, đại biểu Song An cho rằng: việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước, bởi không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Ngoài ra, do người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, nên ít có thời gian thư giãn, giải trí...
Để từng bước khắc phục “lỗ hổng” trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, tạo sân chơi dành cho người lao động, đại biểu đề nghị cần bổ sung và quy định thật cụ thể cơ chế, chính sách trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp - nhất là sự phối hợp giữa các cấp ngành và các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người lao động, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.