Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là không hợp lý

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 10/6, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là không hợp lý và thiếu logic. Bởi vì, quy định này mâu thuẫn với chính Điều 20 tại dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi)
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi)

Đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng công nghệ

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) phân tích, tại Điều 7 dự thảo Luật quy định việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam tại Điều 7, đại biểu cho rằng, quy định này không hợp lý và thiếu logic. Bởi vì, người gốc Việt Nam là đối tượng không được cấp Căn cước theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật nên không thể cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không có căn cước. Nghĩa là nội dung quy định của Điều 7 và Điều 20 mâu thuẫn nhau.

Theo đại biểu đề nghị, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định “Người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch” để đảm bảo không xung đột với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định luật pháp liên quan khác.

Đối với Điều 20 dự thảo Luật quy định người được cấp thẻ căn cước gồm: Công dân Việt Nam. Do vậy, để bảo đảm tính logic, chặt chẽ, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị thay từ “Người” thành “Công dân Việt Nam” quy định tại khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật thành: “2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)

Còn đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp thông tin làm giàu dữ liệu dân cư là việc rất có ý nghĩa. Đặc biệt là việc bổ sung các nội dung về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam đã thể hiện được tính nhân văn. Tuy nhiên, đối với các trường thông tin trong thẻ căn cước cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể, để đảm bảo thông suốt.

Cho rằng hạ tầng công nghệ số của ngành công an vẫn còn có những tồn tại, gây khó khăn nhất định cho người dân khi khai báo hoặc làm thủ tục, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị trong thời gian tới, Bộ Công an cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng công nghệ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình khai báo, sửa đổi thông tin…

Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý cơ sở dữ liệu dân cư

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an, sự phối hợp giữa Bộ Công an với các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu hoặc Chính phủ phải có lộ trình để đạt được các mục tiêu đặt ra trong luật này.

ĐBQH: Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là không hợp lý - Ảnh 1

Cơ bản đồng tình với sự cần thiết thông qua Luật Căn cước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý công dân trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đây là Luật liên quan đến nhiều nội dung về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến con người, đến quyền bảo vệ dữ liệu/thông tin bí mật đời tư cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, các quy định trong Luật cần đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tránh việc nêu chung chung và không rõ khái niệm, có thể gây ra những lo ngại không đáng có của cử tri và Nhân dân.

Những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần được cụ thể, rõ phạm vi và nội hàm thông tin, và cần thống nhất quan điểm, nguyên tắc là các thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước phải hoàn toàn khác so với dữ liệu trong hồ sơ theo dõi, hồ sơ điều tra hình sự, hồ sơ tội phạm, hồ sơ phản gián,… mà các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền.

Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng các ngành ở Trung ương và địa phương trong kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Chính phủ cần rà soát và quyết định bao nhiêu Cơ sở dữ liệu quốc gia cho phù hợp, tránh tràn lan, gây lãng phí.