Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH đề nghị không tính lãi các hộ khó khăn, neo đơn khi chậm đóng tiền điện

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận về Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề xuất, cần có quy định chậm trả tiền điện trong thời gian bao lâu thì mới bắt đầu tính lãi. Đồng thời, không tính lãi với các hộ khó khăn, người già neo đơn để bảo đảm tính nhân văn.

Chiều 7/11, thảo luận về Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề như: việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật; nội dung cụ thể hóa 6 chính sách Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; điều kiện hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện và giá điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện...

Quang cảnh phiên họp chiều 7/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp chiều 7/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường điện cạnh tranh

Quan tâm đến việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh những năm gần đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, chính sách này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người dân vẫn còn tồn tại tâm lý điện là mặt hàng độc quyền.

Vì vậy trong lần sửa đổi này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) quan tâm đến vấn đề độc quyền của ngành điện. Theo đó, tại điểm c, khoản 2 điều 5 của Dự thảo Luật quy định "Nhà nước đặc biệt vận hành lưới điện truyền tải trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng".

Đại biểu cho rằng, việc, quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với khoản 5, điều 5 Dự thảo Luật xóa bỏ mọi đặc quyền bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa kênh đầu tư, khai thác dịch vụ, cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải Quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, hiện nay, có khoảng 95% lưới điện Quốc gia do Nhà nước đầu tư thì khó có thể thực hiện xã hội hóa như Dự thảo Luật mong muốn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c, khoản 2, điều 5 của Dự thảo Luật theo hướng: Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, cao áp và siêu cao áp.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu đề nghị Trung ương chỉ duyệt quy hoạch các công trình điện, còn việc thẩm định, phê duyệt dự án giao cho địa phương thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành điện. "Có như vậy đúng với chỉ đạo của Tổng Bí thư về đột phá thể chế, giảm thủ tục hành chính" - đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất.

Tính lãi ngay sau khi chậm trả tiền điện là không phù hợp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, khoản 4 của điều 77 Dự thảo Luật quy định bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần mà chưa thanh toán, thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc thông báo ở đây không quy định hình thức nào, văn bản, gọi điện hay nhắn tin… Vì thế, Ban soạn thảo cần quy định rõ là thông báo bằng văn bản 2 lần thì bên bán mới có quyền ngừng cấp điện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) - Ảnh: Quochoi.vn

Cũng quan tâm đến nội dung quy định của điều 77 Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong khoản 1 quy định việc thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Cụ thể, tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả.

Theo đại biểu, quy định này giúp ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện là phù hợp, bảo đảm lợi ích của bên cung cấp điện. Tuy nhiên, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì việc quên thanh toán tiền điện, tiền nước dẫn đến trả chậm một vài ngày là điều dễ xảy ra. Vì vậy, tính lãi ngay sau khi chậm trả tiền điện không thực sự phù hợp.

Các đại biểu đề xuất, cần có quy định chậm trả trong thời gian bao lâu thì mới bắt đầu tính lãi, nên ít nhất là 1 tháng. Đồng thời, không tính lãi đối với các hộ chậm thanh toán tiền điện là hộ khó khăn, người già neo đơn để bảo đảm tính nhân văn của quy định.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận chiều 7/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận chiều 7/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Chuẩn bị trước nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng

Thống nhất cao về dự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực cũng như hoàn thiện các nội dung về thể chế, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, có 2 vấn đề để giải quyết điểm nghẽn hiện nay. Năm 2023 đã có giám sát chuyên đề của Quốc hội về chính sách phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Qua giám sát đã chỉ ra kết quả và nhiều điểm nghẽn. Vì thế, Dự thảo Luật lần này cần tiếp thu những kết quả đó.

Đồng thời, đại biểu nhấn mạnh, mặt hàng điện không phải là loại hàng hóa dư có thể đóng bao cho vào kho được mà phải theo nhu cầu của nền kinh tế. Để bảo đảm an ninh năng lượng, khi kinh tế tăng trưởng, nhu cầu về điện cũng tăng.

"Với đốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay nếu chúng ta không chuẩn bị trước một bước thì an ninh năng lượng gặp nhiều khó khăn. Vì thế tôi cho là rất cần thiết cấp bách khi sửa Luật Điện lực cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện lực" - đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ.

Đồng ý sửa toàn diện các nội dung của Luật, đại biểu cũng đề xuất thông qua Luật ở 2 kỳ họp thay cho quy trình rút gọn 1 kỳ họp như đề xuất của Chính phủ bởi để sửa toàn diện các nội dung của Luật với những vấn đề quan trọng thì thông qua ở 1 kỳ họp không bảo đảm.