ĐBQH lo vì đầu tư cho con người ở khu vực công không còn hấp dẫn

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 28/10, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ĐB Quốc hội lo ngại khi trong thời gian ngắn có gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công qua khu vực tư. Điều này cho thấy sự đầu tư cho con người ở khu vực công không còn đủ sức hấp dẫn.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng lương cơ sở là giải pháp trước mắt

ĐB Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, để vượt qua những khó khăn, thách thức và xây dựng Việt Nam trở thành thành quốc gia tự cường, phát triển vào năm 2045 thì yếu tố con người là quan trọng nhất, là then chốt của then chốt. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển cho dù con người đó ở đâu, khu vực công hay tư, và dù con người ấy đang ở hiện tại hay tương lai.

ĐB phân tích, thời gian qua có gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc, chuyển từ khu vực công qua khu vực tư. Đây là điều hết sức bình thường theo quy luật kinh tế thị trường và quy luật giá trị, nhưng đây lại là bất thường khi xảy ra trong thời gian ngắn (tháng 6/2021-6/2022). Sự bất thường này làm chúng ta vừa mừng, vừa lo.

"Mừng vì khu vực tư đang tăng trưởng tốt sẽ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn, nhưng rất lo vì đây là hồi chuông cảnh báo, vì chủ trương chính sách đầu tư cho con người ở khu vực công không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân họ. Trong số đó có cả những tinh hoa ở lĩnh vực chuyên ngành, nhất là ngành y khoa. Do vậy, nếu không kịp thời quan tâm cải thiện thì sự chuyển dịch này sẽ ngày càng nhiều hơn"- ĐB nói.

ĐB nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, quan điểm chỉ đạo này không những đúng trong đầu tư phát triển kinh tế mà còn đúng và trúng trong đầu tư phát triển con người ở khu vực công. Qua đó, để tạo cơ sở xây dựng đội ngũ viên chức an tâm công tác, đủ tâm, đủ tầm, đủ phẩm chất năng lực và đủ tính chuyên nghiệp nhằm định hướng dẫn dắt hỗ trợ cho khu vực tư phát triển vượt lên; góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước theo đúng định hướng.

ĐB Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Trước dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, để triển khai thành công các nhóm giải pháp, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, ĐB kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội: Trước mắt thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước bắt đầu từ ngày 1/1/2023 thay vì ngày 1/7/2023 như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Về giải pháp lâu dài, ĐB đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc trình BCH T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

"Có như vậy chúng ta mới xây dựng được lực lượng công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ mạnh và trong lực lượng đó chắc chắn sẽ không còn tồn tại những người sợ trách nhiệm với tư tưởng, tâm lý "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Khi ấy mới có thể tháo gỡ hàng loạt điểm nghẽn, bất cập hiện nay nhằm hiện thực hoá mục tiêu tầm nhìn của Đảng về xây dựng Việt Nam thành quốc gia độc lập, tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045"- ĐB nêu.

Quan tâm hỗ trợ nguồn nhân lực đầu tư kinh tế số

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã chia sẻ với khó khăn của tân Bộ trưởng Bộ Y tế và ngành y tế. ĐB cho rằng, vấn đề này không chỉ trách nhiệm riêng của ngành y tế mà đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới giải quyết tốt được.

ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB nhấn mạnh, tài sản đầu tiên là sức khoẻ, đây là vốn quý nhất ở trên đời. Người dân khoẻ mạnh là tàn sản lớn nhất của bất cứ quốc gia nào. Trước thực trạng của ngành y tế hiện nay, để thực hiện tốt Nghị quyết 20 của T.Ư Đảng, ĐB kiến nghị Quốc hội đưa nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ cấp bách, cấp thiết cần đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4.

Đồng thời, giao UBTV Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn. Bởi vì hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu; Luật Giá sửa đổi và các luật liên quan đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung nên khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2024, không kịp thời gian giải quyết, tháo gỡ tình trạng cấp bách hiện nay.

ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các Nghị định, thông tư liên quan có bất cập, không phù hợp bằng nghị định chung và thông tư mới để điều chỉnh kịp thời các khúc mắc từ thực tiễn.