Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Luật cần có quy định rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề xuất cần có các quy định để rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho biết, theo quy định tại khoản 2 điều 57 của Dự thảo Luật, sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư nhưng nếu chưa được bố trí vốn hàng năm thì sẽ không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư. Ví dụ như việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) - Ảnh: Quochoi.vn  
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) - Ảnh: Quochoi.vn  

Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc nêu trên, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào khoản 2 điều 57.

Tương tự, tại khoản 1 điều 59 quy định “vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”, đại biểu cho rằng quy định như vậy thì các công việc phải thực hiện tiếp theo sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện Dự án.

Vì vậy, để khắc phục bất cập này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc nêu trên, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị xem xét sửa đổi khoản 1 điều 59 và khoản 3 điều 59 Dự thảo Luật theo hướng: chuyển các nhiệm vụ như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

ĐBQH: Luật cần có quy định rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) cơ bản tán thành với 5 nhóm nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự án luật, trong đó có các quy định mới góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

Đại biểu Trần Chí Cường phân tích, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian.

"Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 đến 350 ngày mới khởi công xây dựng - tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan" - đại biểu Trần Chí Cường nêu.

Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Quang cảnh kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
Quang cảnh kỳ họp thứ 8 của Quốc hội

Trước đó, đề cập về việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.