Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐBQH: Tháo gỡ chế độ, chính sách với đội ngũ y tế công rất cấp bách

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 28/10, thảo luận tại hội trường, các ĐB Quốc hội tiếp tục đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, thách thức liên quan đến ngành y tế, trong đó đặc biệt quan tâm giải quyết ngay về chế độ, chính sách đối với đội ngũ y tế công.

ĐB Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng nhiều khó khăn trong lĩnh vực y tế cần tháo gỡ ngay. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng nhiều khó khăn trong lĩnh vực y tế cần tháo gỡ ngay. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế.

ĐB chỉ ra rằng, hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.

Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ Nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục.

Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, ĐB đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay.

ĐB Khánh Thu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa được do vượt tổng mức thanh toán.

Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.

ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có giải pháp kịp thời giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế. 
ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có giải pháp kịp thời giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế. 

Cũng liên quan đến những khó khăn trong ngành y tế, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19.

Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.

“Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất, chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu Nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới” – ĐB Nghĩa nói.

 

Cần tiến tới ban hành Luật Về lương tối thiểu

"Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 01/01/2023.

Đồng thời, ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp. Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật Về lương tối thiểu" - ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa 

Ngoài ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.

“Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp” – ĐB Nghĩa lưu ý.