Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội mãi xanh

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐT&PT hạ tầng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội được coi là đô thị có nhiều cây xanh và đa dạng nhất cả nước. Từ năm 2016, Hà Nội đã có chương trình trồng một triệu cây xanh và đến nay chương trình thực sự có hiệu quả góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan của Thủ đô, tạo được niềm tin trong Nhân dân về một đô thị xanh trong tương lai.

Công viên Cầu Giấy với những khoảng xanh. Ảnh: Công Hùng
Đa dạng nhưng còn nhiều thách thức
Hệ thống cây xanh của Hà Nội được phủ kín trên 843 tuyến đường phố thuộc 12 quận nội thành phong phú và đa dạng về chủng loài, có số lượng khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật; trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, lim xẹt, chẹo, phượng vĩ, quyếch, nhội, bàng…
Ngoài ra, còn một số loài cây mới được đưa vào trồng thử ở Hà Nội hay do dân trồng tự phát chưa được thống kê như cây lát Mexico, bao báp, trứng cá… Tuy nhiên, thống kê cho thấy, cây xanh đường phố quy định cần 1,7m2/người thì nội đô Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng 0,6m2/người. Thực trạng này đang là thách thức lớn trong phát triển bền vững với Hà Nội trong thời gian tới.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm được chia thành 3 phân khu: Khu phố cổ, khu phố cũ và khu phố mới. Đây là quận có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của TP và hiện còn lưu giữ được nhiều nét cảnh quan đặc trưng của Hà Nội qua các thời kỳ. Trên 152 tuyến giao thông chính ở 3 khu vực phố cổ, phố cũ và phố mới ngoài đê ở địa bàn quận Hoàn Kiếm, đã thống kê được 6.994 cây, thuộc 20 loài và 11 họ thực vật...
Tính an toàn qua việc đánh giá hệ thống cây xanh đường phố Hà Nội cho thấy, đa phần cây xanh trên đường phố được trồng trong những hố có kích thước không đảm bảo tiêu chuẩn. Xung quanh hố là vật liệu xây dựng hệ thống giao thông đã được lu lèn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc là phần vật liệu phục vụ công tác hoàn thiện bề mặt.
Đối với những cây được trồng lâu năm, khi thực hiện nâng cấp hệ thống, hệ rễ cổ thụ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, làm mất cân bằng giữa phần tán lá và bộ rễ. Chính vì vậy, việc đổ gãy trong mùa mưa bão là không thể tránh khỏi và gây thiệt hại lớn về người và của cho dân cư đô thị.
Về Quản lý, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời cũng là chủ đầu tư, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình hạ tầng cây xanh đô thị. UBND các cấp tham gia trong công tác quản lý chung trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý. Trước năm 2016, công tác trồng, chăm sóc và duy tu hệ thống cây xanh đô thị đang được giao cho 17 cơ quan chính và nhiều đơn vị phối hợp. Trong đó, nhiều đơn vị thực chất hoạt động không chuyên trong lĩnh vực cây xanh đô thị. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thi công và giám sát công tác trồng cây xanh trên địa bàn Hà Nội.
Đứng trước thực trạng phát triển cây xanh như vậy, Hà Nội đã triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh để thực hiện những mục tiêu quan trọng của TP trong những năm tới là xây dựng Thủ đô thành đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Được sự ủng hộ của các đơn vị, DN, địa phương, năm 2018 toàn TP đã trồng mới hơn 387.100 cây, nâng tổng số cây xanh đã trồng lên 927.800 cây, đạt 92,7% mục tiêu của Chương trình.
Hàng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh
Có quy hoạch tổng thể
Để chương trình được duy trì và phát triển, trong thời gian tới Hà Nội cần có những giải pháp về quy hoạch và quản lý cây xanh đô thị như sau:
Trong định hướng quy hoạch về cây xanh, cần định hướng theo sự đa dạng hóa các loài cây trên tổng thể các tuyến đường trong TP để có “mùa nào hoa đó”. Cần xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh đô thị phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể của đô thị. Quy hoạch này cần chỉ rõ ba giai đoạn cụ thể như ngắn hạn, trung và dài hạn.
Để từ đó xác định được quy mô, chỉ tiêu phát triển cây xanh đô thị, cũng như xác định các kịch bản hoạt động cụ thể hóa trong các hoạt động thực tiễn và thường xuyên được cập nhật và điều chỉnh theo yêu cầu và điều kiện thực tế trong quá trình triển khai. Để có một hệ thống cây xanh hài hòa với tổng thể chung của TP, cần có mối quan hệ mật thiết giữa các nhà kiến trúc đô thị với các nhà trồng cây, để đảm bảo sự phù hợp giữa loài cây trồng với đặc điểm của đường phố và các công trình xây dựng.
Ngoài ra, cần thiết phải có sự bố trí phối cảnh giữa màu sắc của hoa lá với màu sắc của các công trình xây dựng; giữa hình dáng cây, tán lá với cảnh quan chung của đường phố; giữa đặc điểm sinh trưởng của cây với những kiến trúc ngầm dưới đất...
Cùng với đó, TP Hà Nội cần xác định “đất nào, cây ấy” trong quy hoạch trồng cây xanh đường phố là tiêu chí để lựa chọn cây trồng bởi sự bố trí hài hòa giữa các yếu tố này trong một khung cảnh nhất định sẽ tạo nên những cảnh quan kiến trúc đẹp. Ở mỗi tuyến đường phố có bố trí cây trồng phù hợp đã tạo ra khung cảnh đẹp và tạo nên nét riêng của TP thể hiện qua từng mùa rõ rệt.
Nhưng cũng không ít tuyến đường phố vấn đề kiến trúc cảnh quan còn bị coi nhẹ làm ảnh hưởng đến mỹ quan chung của đô thị. Cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để đạt được hiệu quả trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn, phối kết kiến trúc, tạo cảnh quan đường phố, cải tạo vi khí hậu, vệ sinh môi trường, chống nóng, không gây độc hại, nguy hiểm cho khách bộ hành, an toàn cho giao thông và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị (đường dây, đường ống, kết cấu vỉa hè mặt đường).
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, việc huy động sự tham gia của cộng đồng, DN sẽ giúp mục tiêu trồng một triệu cây xanh của Hà Nội sớm hoàn thành. Điều đó giúp xây dựng lối sống cộng đồng cởi mở, sự hòa đồng với thiên nhiên của người dân Hà Nội, hướng tới một Thủ đô “Xanh - Sạch - Văn hiến”.
Chương trình trồng một triệu cây xanh của Hà Nội đã được hưởng ứng từ các DN cũng như sự hỗ trợ của các tỉnh bạn. Cụ thể như UBND tỉnh Điện Biên tặng 500 cây ban trắng, Tập đoàn Vingroup tặng 400 cây xoài, VPbank tặng 2.578 cây long não và 1.181 cây chà là, Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone tặng 1.000 cây; Tập đoàn AEON tặng 190 cây anh đào, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng tặng 10.000 cây cọ dầu...