Tuy nhiên, để các gói thầu này thực sự đạt hiệu quả, công tác giám sát chất lượng từ chính quyền sở tại phải đặc biệt được chú trọng.
Nơi sạch sẽ, chỗ còn nhếch nhác
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mới đây Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã tiếp tục được lựa chọn thực hiện các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại các quận trung tâm Hà Nội, giai đoạn 2024 – 2025. Trong đó, gói thầu số 1 đối với quận Hai Bà Trưng là hơn 238,634 tỷ đồng; quận Đống Đa 2024 - 2025 với giá hơn 287,768 tỷ đồng. Urenco là đơn vị thu gom, duy trì và xử lý chất thải chủ lực của TP Hà Nội, được thành lập từ năm 1960. Lợi nhuận mang về cho Công ty này trong những năm gần đây khá khiêm tốn, song đây là đơn vị công ích của TP nên nhiệm vụ và trách nhiệm đặt ra trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.
Công tác duy trì vệ sinh môi trường tưởng là đơn giản nhưng không dễ ràng chút nào. Vì có thể công nhân vệ sinh vừa làm sạch xong đoạn này, lại có người vô tư vứt rác ra. Cho nên, tôi cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bởi những việc nhỏ còn không xử lý được thì những việc lớn sao có thể giải quyết hanh thông.
PGS.TS Bùi Thị An
Khảo sát trên các địa bàn quận trung tâm TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có lẽ là địa bàn công tác duy trì vệ sinh môi trường được đảm bảo hơn cả, nhất là những tuyến đường lớn, ngõ lớn, thậm chí ngõ nhỏ cũng được những công nhân vệ sinh môi trường duy trì có tính trách nhiệm cao. Tuy nhiên, địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa thì lại kém hơn hẳn, từ đường tới ngõ vẫn còn sự nhếch nhác của rác thải, nước thải sinh hoạt, thậm chí là phế thải vật liệu xây dựng.
Đơn cử, điểm chân rác dưới gầm cầu Vĩnh Tuy thường xuyên xảy ra tình trạng luộm thuộm về cảnh quan không chỉ vì phế thải, rác thải do người dân xả trộm mà còn bởi những vật dụng cũ gỉ của nhân viên vệ sinh môi trường bày ra. Cùng đó, việc thu gom rác thải sinh hoạt thường để xảy ra tình trạng rỉ nước thải nhưng lại không được tẩy rửa ngay (chỉ quét bề mặt) khiến cho nước thải thấm dần mỗi ngày vào lòng đường, bốc mùi khó chịu, nhất là những ngày thời tiết oi nồng, nồm. Cạnh ngay đó, ngõ 122 Vĩnh Tuy cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Nhếch nhác vì xe ô tô, xe máy để tràn lan lòng đường (dù có biển cấm đỗ) là một chuyện nhưng nhếch nhác bởi những túi rác do người dân kinh doanh mặt ngõ - đường vứt bừa bãi ra vỉa hè lòng đường, bao bì phế thải vẫn lăn lóc tháng này qua tháng khác không được thu gom kịp thời mới là vấn đề. Đáng nói, hầu như lòng đường tại khu vực ngõ - đường này không được quét dọn nên rác thải dù được thu gom nhưng lòng đường vận bụi bẩn vì lá cây, bụi.
Chị Trâm Anh, người bán nước đầu ngõ 122 Vĩnh Tuy cho biết, đoạn đường trước mặt quán nước nhỏ nhà chị sạch sẽ đều do chị tự quét mỗi ngày, chứ không thấy công nhân môi trường quét dọn. Còn gia đình chị Lương – Khu tập thể Bê tông Vĩnh Tuy, ngõ 122 Vĩnh Tuy cho rằng, đoạn đầu ngõ là bộ mặt của toàn bộ khu dân cư. “Những bao bì, tấm bê tông phế thải (điểm chân rác đã được xóa cách đây hơn 1 năm) không hiểu sao, mãi vẫn chưa được thu gom. Thu gom rồi quét vôi bức tường trống, vận động cư dân đóng góp mua những chậu hoa. Như vậy sẽ tạo được điểm nhấn khang trang, rực rỡ để chào đón năm mới”- chị Lương nói.
Là người tâm huyết với Hà Nội, ông Trần Ngọc Khuyến (trú tại M4 số 91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa), nguyên là cán bộ TP Hà Nội đã về hưu, không ngại thời tiết giá rét đã đến trụ sở Báo Kinh tế & Đô thị phản ánh về công tác chỉnh trang, duy trì vệ sinh môi trường của TP. Theo ông Khuyến, cây xanh, vườn hoa đường phố không được cắt tỉa, chăm sóc thường xuyên nên có thời điểm um tùm như cỏ dại, có thời điểm xơ xác, cằn cỗi. “Tôi không rõ là gói thầu của TP về công tác duy trì vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị cụ thể như thế nào? Kinh phí có đủ đảm bảo để xanh, sạch, đẹp không? Nếu đảm bảo rồi, ai là người có trách nhiệm giám sát, nghiệm thu mà lại để một TP chỗ sạch đẹp; chỗ đầy bụi, nhiều rác, cây xanh thì như cỏ dại thế?” – ông Khuyến bày tỏ.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
TP Hà Nội đã có Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 ban hành quy trình, định mức dự toán duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường sẽ căn cứ vào Quyết định này để thực hiện.
Theo đó, có 14 quy trình duy trì vệ sinh trên đại bàn TP. Có thể kể đến như duy trì vệ sinh đường, hè phố (MT01); duy trì vệ sinh ngõ (MT02); thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi xử lý (MT03); duy trì quét hút hè, ngõ xóm bằng xe chuyên dùng quét hút, dung tích < 2km2 (MT04); duy trì vệ sinh trong các vườn hoa, công viên, dải phân cách (MT05)… Điều này cũng có nghĩa, các quận, huyện căn cứ thực tế của địa phương để sử dụng quy trình duy trì nào tương ứng với giá trị gói thầu đó.
Yếu tố này cũng đặt ra câu hỏi: Nếu cán bộ chuyên trách không sát sao thực địa địa bàn thì sẽ không thể tư vấn đúng, đủ cho lãnh đạo về gói thầu phù hợp, hiệu quả với tình hình địa phương. Ví như gói thầu số 1 của quận Hai Bà Trưng, giai đoạn 2024 - 2025, rõ ràng đơn vị vệ sinh chỉ phải thực hiện duy trì vệ sinh đường, hè phố. Với ngõ 122 Vĩnh Tuy như phản ánh trên, sẽ không phải làm công tác quét đường, hút bụi mà chỉ thu gom, dù ngõ này thực chất là đường, có vỉa hè, có hệ thống thoát nước và đông dân cư. Chính vì vậy, công tác duy trì vệ sinh khu vực này không được đảm bảo. Trong khi đó, những hành vi xả rác không đúng quy định, dù ngõ này có camera do địa phương lắp đặt nhưng chưa thấy một vi phạm nào khu vực này, chiếu theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được chính quyền địa phương/cơ quan chức năng thực thi.
Trao đổi về kinh nghiệm quản lý trong công tác duy trì vệ sinh môi trường, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, để đảm bảo công tác duy trì vệ sinh môi trường hiệu quả cần nâng cao vai trò giám sát và đồng hành. Ví như trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chính quyền các cấp không chỉ sát sao trong việc giám sát thực hiện gói thầu của Urenco Hoàn Kiếm mà còn đồng hành cùng đơn vị duy trì. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND 18 phường phối hợp thực hiện hiệu quả Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quận cũng đã ra Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn.
“Thống kê sơ bộ, từ 1/1 - 31/12/2023, trên địa bàn quận đã xử phạt 253 trường hợp đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường… với tổng số tiền phạt 335.400.000 đồng. Qua đó, ý thức người dân đã được nâng cao, tình hình vệ sinh các tuyến phố trên địa bàn quận đã được cải thiện rõ rệt, hạn chế được tình trạng vứt, thải, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường...” – vị đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết.