Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực mới cho phát triển kinh tế

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực với tinh thần KHCN là giải pháp quan trọng và đồng bộ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.

Cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ
Điểm những nét chính trong chương trình hành động năm 2019 của Bộ KH&CN, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, ngay sau khi có chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 2 Nghị quyết (NQ) quan trọng là NQ 01 và 02 về chương trình công tác của Chính phủ năm 2019 cũng như tăng cường hiệu quả các điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, Bộ KH&CN đã khẩn trương cụ thể hóa, chi tiết hóa chương trình hành động của Chính phủ theo NQ.
DN giới  thiệu sản phẩm tại triển lãm quốc tế Thiết bị & Công nghệ Nông - lâm - ngư nghiệp Vienam Gowtech 2018.
Với cách thức tiếp cận thực hiện đúng, nghiêm túc phương châm của Chính phủ đề ra là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả. Điều đó được thể hiện trong việc thiết kế các công việc được giao cho các đơn vị thực hiện cũng như của Bộ KH&CN năm 2019 có sự thay đổi khá lớn. “Tất cả đầu ra của công việc là phần kết quả và sản phẩm đều có thể cân, đo, đong, đếm được, nghĩa là công việc được lượng hóa một cách tối đa”- ông Lê Xuân Định nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, đây cũng là cách làm cụ thể để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bởi lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) rất nóng, ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Trong NQ 01 năm nay cho thấy, lĩnh vực KHCN & ĐMST chính là giải pháp tạo ra những hoạt động có tính quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược cơ cấu nền kinh tế. Như vậy, vai trò của KHCN đã trở thành một động lực quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế. Với cách xác định đó, KHCN sẽ là lực lượng sản xuất trực tiếp tham gia vào trong quá trình tạo ra sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đó chính là những điểm quan trọng nhất trong cách tiếp cận của NQ 01, 02 của Chính phủ năm nay.
Có thể nhận thấy rằng, từ NQ của Đại hội XII của Đảng và nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, tất cả các nỗ lực của Chính phủ tập trung vào giải quyết 3 điểm nghẽn, 3 đột phá quan trọng của nền kinh tế: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
“Nhưng với các chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế khi nhìn nhận vào hệ thống phát triển của Việt Nam hiện nay, nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững của Việt Nam thời gian tới, rõ ràng ngay cả khi giải quyết được 3 điểm nghẽn, 3 đột phá quan trọng thì cũng chưa thể đáp ứng được mục tiêu như Chính phủ đề ra”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nêu.
Theo Vụ trưởng, các chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế đều có ý kiến nhận xét ngày càng rõ nét, ngoài 3 đột phá quan trọng, còn có 2 đột phá khác mà Chính phủ phải tập trung, thực hiện trong năm 2019 và trong thập kỷ tiếp theo, đó là KHCN, ĐMST và phát triển kinh tế tư nhân. Đó là cách để KHCN & ĐMST thực sự là động lực mới cho phát triển kinh tế thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tạo nên bứt phá nhờ sáng tạo, đổi mới KHCN
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong chương trình hành động của Bộ KH&CN năm 2019, có 5 lĩnh vực Bộ sẽ tập trung thực hiện với tinh thần KHCN là giải pháp quan trọng thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế. Đây cũng chính là tiền đề để tạo ra trong các chuyên đề, chủ đề là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả. “Việc có thể tạo ra bứt phá là sáng tạo, đổi mới trên nền tảng của KHCN”, Vụ trưởng Lê Xuân Định cho hay.
Trước tiên, đó là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ DN. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về phát huy Quỹ phát triển KH&CN của DN, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ tại DN. Hoàn thiện hệ thống thể chế để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình mới, ưu tiên dự án công nghệ cao.
Thứ hai, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lỗi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.
Bộ KH&CN sẽ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, định hướng đến 2025. Triển khai chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025. Tập trung ưu tiên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa", nhằm tổng hợp, hệ thống hóa, Việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức của nhân loại và của người Việt trong mọi lĩnh vực. “Đặc biệt, Bộ KH&CN sẽ tiến hành triển khai một số phòng thử nghiệm công nghệ (Testlab) về trí tuệ nhân tạo, loT, sóng não: Trung tâm ĐMST toàn cầu; loT Innovation Hub, loT Lab. Khuyến khích các DN khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN Lê Xuân Định.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là cách đưa nhanh nhất kết quả của nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ vào cuộc sống.
Bộ KH&CN sẽ bổ sung các quy định DN khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách Nhà nước thông qua Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các DN khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ờ nhiều lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Hỗ trợ, tạo sự liên kết với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Thứ tư, rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi DN là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia.
Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ đề xuất tái cơ cấu và xây dựng nội dung giai đoạn 2021 - 2030 cho Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện và cơ cấu lại các Chương trình, đề án KH&CN, nhiệm vụ KH&CN sẽ cấp quốc gia…
Thứ năm, quyết liệt đổi mới mô hỉnh tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Theo đó, Bộ KH&CN sẽ triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triền công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Triển khai hiệu quả Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNC, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp CNC.
Đồng thời, triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, là bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.