Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Còn nhiều ý kiến khác nhau là có hay không quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật lý lịch tư pháp.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, sáng nay (11/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Trong đó vấn đề còn có ý kiến khác nhau là có hay không quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Tờ trình và dự thảo Luật không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại để hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự là rất cần thiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đối với một đối tượng bị truy tố hình sự thì lý lịch của họ vẫn quan trọng, do đó pháp nhân thương mại cũng cần bởi nó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, trong đó có quy định xóa án tích, quy định đương nhiên xóa án tích, xóa án tích theo tòa án quyết định.
“Nếu chúng ta thống nhất với nhau khó quá, chưa bàn kỹ được thì chúng ta lùi lại” - bà Lê Thị Nga nói.
Luật hiện hành quy định, có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp được cấp là phiếu lý lịch tư pháp số 1 và phiếu lý lịch tư pháp số 2. Khác với phiếu lý lịch tư pháp số 1, phiếu số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này bỏ quy định về cấp phiếu số 2.
Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc việc bỏ quy định này vì cho rằng, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành Luật thời gian qua không có vướng mắc gì. Hơn nữa, nếu bỏ quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của đa số công dân không có án tích có nhu cầu du học, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Công dân đi nước ngoài, cần yêu cầu được cung cấp lý lịch tư pháp là điều đáng mừng, tức là luật đi vào cuộc sống. Hay là vì việc nhiều quá, không đủ người làm nên các anh bảo sửa đi, cái này tôi không đồng tình”.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết việc thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định số 1214 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân trên phạm vi cả nước.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.