Để tăng lương tạo động lực mới

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về phương án tăng lương, và đề xuất tăng lương cơ sở 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đó là quan điểm được các đại biểu Quốc hội bày tỏ trong phiên thảo luận tổ đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Công chức tại bộ phận Một cửa UBND quận Hoàn Kiếm
Công chức tại bộ phận Một cửa UBND quận Hoàn Kiếm

Cùng với đó, việc làm sao để tăng lương trở thành động lực mới, khuyến khích người lao động, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc cũng là vấn đề được đặc biệt lưu tâm.

Như đề xuất của Chính phủ, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%. Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

Có thể nói rằng, đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm và nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Bởi trong số hàng triệu cán bộ công chức, viên chức, có thể một bộ phận nhỏ, với họ tiền lương không có ý nghĩa quá lớn, nhưng còn lại đa số vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức là từ lương và luôn ao ước “sống được bằng tiền lương”.

Trong khi chưa triển khai được chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của T.Ư bởi những khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo lộ trình trong 3 năm vừa qua (2019 - 2021) cũng không thể thực hiện, việc tăng lương cơ sở lần này là cấp bách, mức tăng cũng được nhận định là hợp lý. Bộ Tài chính cũng đã tính toán và cân đối rất kỹ nên việc tăng lương có thể thực hiện được và không ảnh hưởng tới ngân sách.

Việc tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng là giải pháp để tạo được động lực cho người lao động trong khu vực công, giúp họ nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn và đặc biệt là hạn chế tình trạng “nhảy việc” sang khu vực tư. Đây là một trong những giải pháp có thể làm ngay và rất cần thiết.

Tuy nhiên, chỉ tăng lương cơ sở là chưa đủ để thực sự khuyến khích, thu hút người tài, để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức của mình và toàn tâm, toàn ý lo cho công việc, lo cho công vụ. Bởi hiện mức sống của xã hội đã tăng lên, tiêu chuẩn sống của xã hội đã cao lên nhưng tiền lương chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức không theo kịp.

Hơn thế nữa, ngạch và bậc lương cơ bản vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến; cũng không bảo đảm được sự công bằng bởi trong thực tế vẫn còn một bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" nhưng được hưởng như người có năng lực và làm nhiều việc. Khi thu nhập không dựa trên tiêu chí hiệu quả nên cũng không tạo động lực phấn đấu cho người lao động.

Hiện một số địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng các đề án, có những chính sách ưu đãi đối với những người thực sự tài năng, có cống hiến đặc biệt, nhưng cũng không dễ thực hiện bởi vướng quy định... Do đó, việc sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý cũng là yêu cầu được đặt ra.

Cùng với đó, để việc tăng lương cơ sở thực sự trở thành niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động, còn cần giải quyết được vấn đề “lương chưa tăng giá đã tăng”. Bởi mỗi lần tăng lương thì giá cả thị trường lại leo thang, thậm chí lương chưa tăng mà giá đã “đón đầu” và số tiền tăng không đủ bù trượt giá.