Đề xuất phương án 3 về hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chuyên gia an sinh xã hội và người lao động đề nghị lấy những ưu điểm của hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang được đề xuất. Người lao động được quyền rút BHXH 50% hoặc toàn bộ tùy theo nhu cầu; tăng tiền trợ cấp thất nghiệp và số tháng được hưởng.

Hai phương án mới về hưởng BHXH một lần

Để hạn chế số người rời khỏi hệ thống BHXH, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần, sau khi có các ý kiến góp ý. Cụ thể, tại tiết d, khoản 1, Điều 70 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra hai phương án: Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Chính phủ đề xuất 2 phương án mới về hưởng BHXH một lần. Ảnh minh họa.
Chính phủ đề xuất 2 phương án mới về hưởng BHXH một lần. Ảnh minh họa.

Khi Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi), đã thấy rằng: Trong 7 năm (từ 2016 – 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Và trong số này đã có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia BHXH (chiếm 26% số lượt người hưởng BHXH một lần). Điều này đồng nghĩa trong giai đoạn này, khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống (tính đến thời điểm hiện tại), chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần.

Quy định và việc hưởng BHXH một lần nhìn chung đều có ở các nước trên thế giới nhưng với điều kiện hưởng khác nhau và rất chặt chẽ. Nhưng quy định nghỉ việc 12 tháng để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và ngay sau đó hưởng BHXH một lần thì chưa tìm thấy quốc gia nào có quy định tương tự nước ta.

Người lao động rút BHXH một lần chủ yếu do khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo cho gia đình; chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách và cho rằng nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu. Người lao động lo lắng sự an toàn của quỹ BHXH và không thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động khu vực phi chính thức.

Khảo sát nhanh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 4/2023 cho kết quả, người lao động dự kiến chi tiêu số tiền rút BHXH vào các khoản chi tiêu như tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%), trả nợ 44,7%; cho thấy sự không hiệu quả và sẽ dùng hết tiền BHXH một lần trong thời gian ngắn.

Lấy ưu điểm của hai phương án đề xuất

Trao đổi về hai phương án rút BHXH một lần, TS. Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH phân tích: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra hai phương án hưởng BHXH một lần với mục đích chung là để hạn chế người rút. Thế nhưng phương án 1 chỉ cho phép những người tham gia trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, nếu đủ điều kiện được rút BHXH một lần. Đối với những người tham gia BHXH sau ngày Luật có hiệu lực  lại không được đề cập đến. Như vậy, phương án này không đầy đủ. Phương án 2, cho tất cả người lao động được rút BHXH một lần khi đủ điều kiện. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng BHXH thấp thì khi rút BHXH một lần được rất ít tiền, không giải quyết được khó khăn.

Chuyên gia và người lao động đề xuất phương án thứ ba về rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Phạm Hùng.
Chuyên gia và người lao động đề xuất phương án thứ ba về rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Phạm Hùng.

“Theo tôi, nên có phương án thứ ba về rút BHXH một lần, đó là lấy ưu điểm của phương án 1 và 2 thì tốt hơn. Những người tham gia BHXH trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực đều được rút BHXH một lần nếu đủ điều kiện. Chúng ta không lo họ ra khỏi hệ thống BHXH không quay trở lại; vì quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để có lương hưu là yếu tố quyết định họ vẫn tham gia bảo hiểm bắt buộc hoặc tự nguyện.

Cái khó khăn nhất là người lao động nghỉ việc không có nguồn thu nhập, cần có chính sách bảo hiểm thất nghiệp được sửa đổi theo hướng tăng tiền trợ cấp thất nghiệp và số tháng được hưởng. Và, trợ giúp xã hội đột xuất cho họ để tiếp tục tham gia trở lại thị trường lao động” – TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay.

Chị Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy đại diện cho công nhân lao động đề nghị: Người lao động có yêu cầu thì được rút BHXH một lần, nếu sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm (theo như Luật BHXH hiện hành). Vì khi tham gia BHXH bắt buộc thì cả người lao động và người sử dụng lao động cũng đã trích một khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ đảm bảo phúc lợi cho người lao động sau này. Tuy nhiên khi người lao động - đối tượng được hưởng phúc lợi - nghỉ việc vì lý do nào đó không đi làm trở lại và cũng không có nguồn tài chính để trang trải cuộc sống để lo cơm áo gạo tiền thì được quyền quyết định sử dụng khoản tiền họ đã tích lũy sau thời gian làm việc.

Rút BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng lâu dài đến quyền lợi người lao động và an sinh xã hội..., Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng – đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác để đảm bảo quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng hưởng, có chia sẻ của BHXH.