Định hình dòng chảy sáng tạo Thủ đô

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 năm trước, khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, nhiều người đã ngỡ ngàng bởi nhiều khái niệm có phần mới lạ. Nhưng đến nay, hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống đều chuyển động cùng sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực văn hóa.

Nổi bật là Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức thường niên quy tụ nhiều hoạt động khơi nguồn, dẫn dắt tư duy sáng tạo mới lạ và hấp dẫn. Từ năm 2021 đến nay, quy mô, chất lượng của lễ hội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của Thủ đô và cả nước.

Nếu như năm 2021, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chỉ diễn ra trong không gian nhỏ ở 22 Hàng Buồm; năm 2022, lễ hội mở rộng không gian sáng tạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Năm 2023, lễ hội mở rộng quy mô lớn với 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng.

Không gian sáng tạo được phục dựng từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Không gian sáng tạo được phục dựng từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng

Đặc biệt, rất nhiều hoạt động diễn ra tại các di sản công nghiệp cũ như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội sẽ được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.

Trước đó, một số nhà máy cũ giờ đã trở thành không gian sáng tạo thường xuyên được nhắc đến, như Complex 01 được cải tạo lại từ Nhà máy In Công đoàn, 282 Workshop vốn là nhà máy sản xuất mũ cối có từ những năm 1970. Đồng thời, sự chuyển mình của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong hoạt động, sự ra đời của những không gian như Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (tại làng gốm Bát Tràng), hay nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa khai thác từ vốn di sản là những minh chứng sống động.

Mới đây nhất, triển lãm "Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại" là một điển hình khi có sự phối hợp giữa nghệ nhân - nhà thiết kế trẻ để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống. Có thể thấy, Hà Nội đã định vị được bản sắc trong xây dựng TP sáng tạo. Ðó chính là sáng tạo trên nền tảng kho tàng di sản đồ sộ của mình.

Mặt khác, với vai trò thành viên Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO, đại biểu của Hà Nội tham gia đầy đủ các phiên họp, tọa đàm Mạng lưới các TP Sáng tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tham dự một số phiên họp và hội thảo khác ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Qua đó, Hà Nội thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, tổ chức, DN, Nhân dân Thủ đô và quốc tế cùng tham gia, hỗ trợ xây dựng TP Sáng tạo.

Từ những việc làm cụ thể trên cho thấy, Hà Nội đã và đang thể hiện rõ quan điểm, chiến lược và định hướng phát triển. Chiến lược này phản ánh tầm nhìn hướng tới quảng bá bản sắc của Thủ đô.

Đây chính là một trong những đòn bẩy lớn và quan trọng giúp Hà Nội thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững Thủ đô, là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm tiếp theo, và hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô trở thành TP kết nối toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.