Định hình thành phố thông minh

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang sống trong không khí của những ngày Thu có ý nghĩa lịch sử thật đặc biệt, đánh dấu cột mốc 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).

Tinh thần, quyết tâm cho chiến thắng vẫn luôn là mạch nguồn sức mạnh, đang được nhân lên mạnh mẽ, giúp định hình một Thủ đô văn minh, hiện đại, thành phố thông minh, phát triển và hội nhập.

69 năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng ngàn năm lịch sử nhưng kể từ mùa Thu năm 1954 cho đến nay, trải qua biết bao thăng trầm, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhìn từ Hà Nội hôm nay có thể thấy, kinh đô xưa, Thủ đô hôm nay vẫn lưu giữ những hình ảnh rất đỗi thân quen, nhưng cũng đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới.

Hà Nội hôm nay không chỉ là trung tâm tâm chính trị, văn hóa, mà đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Hướng đến những mục tiêu bền vững trong tương lai, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng chính quyền đô thị; thành phố thông minh, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, để bắt kịp với những bước tiến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây nhiệm vụ được TP xác định có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, TP Hà Nội đã vào cuộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đến nay, chính quyền số từng bước được triển khai; hạ tầng số được đẩy mạnh, bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác.

Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong thực hiện tương tác với chính quyền. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính... được triển khai tập trung, phục vụ yêu cầu chia sẻ, khai thác thông tin.

Đặc biệt, ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU “về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành; quyết tâm huy động nguồn lực của toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của vấn đề này trong xây dựng vị thế Thủ đô.

Hơn thế nữa, với vai trò một đô thị đặc biệt, Hà Nội xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ, mà được gắn chặt với xây dựng chính quyền đô thị; với công tác quy hoạch phát triển; sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để đem lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, DN, hỗ trợ đổi mới sáng tạo...

Có thể chặng đường phía trước còn không ít khó khăn nhưng tình yêu Hà Nội chính là mạch nguồn kết nối mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cùng sáng tạo, chung sức, đồng lòng thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Những thế mạnh của Thủ đô và những thành quả của 69 năm qua sẽ là nền tảng, bệ phóng vững chắc để Hà Nội tiếp tục phát triển, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… để trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước.