Đại sứ Nga tại Vienna, Dmitry Lyubinsky, cho biết hầu hết các doanh nghiệp nước này không rút hoạt động kinh doanh khỏi thị trường Nga bất chấp các lệnh cấm vấn của phương Tây đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti hôm 12/2, ông Đại sứ nói rằng phần lớn trong tổng số 650 công ty Áo vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga vì "các doanh nghiệp Nga và Áo đều mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại song phương".
Trong năm 2022, Nga vẫn nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại hàng đầu của Áo và đứng thứ 6 trong 10 nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Áo.
Các doanh nghiệp Áo, đặc biệt là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, đã chịu ảnh hưởng nặng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Tuyên bố trên được Đại sứ Lyubinsky đưa ra sau khi số liệu mới nhất cho thấy sản lượng nhập khẩu khí đốt Nga của Áo đã phục hồi về gần mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022.
Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đang đảm bảo nguồn cung khí đốt cho Áo theo đúng hợp đồng. “Dòng chảy khí đốt từ Nga sang Áo có thời điểm giảm tới 30%, song hiện tại chúng tôi đã nhận được 100% lượng khí đốt của Nga theo hợp đồng ký kết với Gazprom” - Euroactiv trích dẫn phát biểu của ông Reinhard Florey, Giám đốc tài chính của Công ty năng lượng Áo OMV.
Áo phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga với khoảng 80% nhu cầu khí đốt được nhập khẩu từ thị trường này.
Trước đó, báo cáo được Đại học Yale công bố ngày 20/1 vừa qua cho thấy, hơn 550 công ty quốc tế, trong đó có nhiều công ty đến từ châu Âu, vẫn đang kinh doanh ở Nga, bất chấp áp lực của công chúng để rút khỏi nước này sau cuộc xung đột với Ukraine.
Trong số này, 223 công ty đang hoạt động kinh doanh bình thường, bao gồm các công ty nổi tiếng, như Boggi, Benetton, Calzedonia của Ý; Clarins, Etam, Lacoste của Pháp; Siemens Healthineers, B. Braun của Đức, và Philips của Hà Lan.
Theo dữ liệu của Đại học Yale, hơn 160 công ty đã thông báo hoãn hoạt động trong tương lai nhưng hiện vẫn tiếp tục kinh doanh ở Nga; 170 công ty thu hẹp một số lĩnh vực quan trọng nhưng vẫn tiếp tục hoạt động; hơn 490 công ty tạm thời cắt giảm hầu hết hoạt động ở Nga nhưng vẫn duy trì kinh doanh; và 341 công ty đã tạm dừng hoàn toàn hoạt động ở Nga.
Trong số các doanh nghiệp vẫn “câu giờ” ở Nga có nhiều công ty tên tuổi của cả EU và G7 như AstraZeneca, Unilever (Anh), Barilla, Giorgio Armani (Italia), Bayer, Merck (Đức), BlaBlaCar, Engie,Total Energies, Yves Rocher (Pháp), ING Bank (Hà Lan), Nestle (Thụy Sĩ), và Red Bull (Áo).