Trước những băn khoăn đó, lãnh đạo một số DN đã đưa ra những kịch bản nhằm phần nào định vị được nội tại của DN giúp vượt qua đại dịch Covid-19.
Có thể... ngủ ĐôngTheo Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy, bản thân DN xác định sống chung với đại dịch nên từ cuối năm 2020 đã xây dựng các kịch bản cho vấn đề này. Đối với MISA việc quan trọng nhất chính là cần thay đổi tâm thế làm việc của nhân viên trong DN, chuẩn bị sẵn sàng các công cụ, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số để có thể hoàn toàn làm việc online. Việc chuyển đổi số đã giúp MISA không bị đứt quãng hoạt động.
Phó Chủ tịch Hanoisme, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú – nêu quan điểm, dịch bệnh tác động trực tiếp và khác nhau đến các DN. Vì vậy, đối với một số DN có thể là khó khăn, thách thức nhưng với một số lại là cơ hội để phát triển. "Khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác" - Shark Phú nhấn mạnh. Đồng thời nhận định, dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài đến năm 2022, thậm chí đến năm 2023, nên cần xác định sống chung với dịch bệnh chứ không bao giờ tránh được.
|
MISA nhờ tiên phong áp dụng công nghệ đã phần nào hạn chế được ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh |
Các DN để có thể vượt qua đại dịch nên có những đánh giá, phân tích xem sự ảnh hưởng của Covid-19 tới DN, sau đó chuẩn bị những kịch bản ở mọi tình huống, kể cả tình huống trong DN có F0. Tác động đó có thể là khó khăn, có thể là cơ hội, nếu là cơ hội cần phải chớp lấy để phát triển và có những tích lũy. "Với các DN có cơ hội, cần chuẩn bị nguồn lực một cách tốt nhất để có thể phát triển. Với những DN bị ảnh hưởng thì có cái để "ăn dè, hà tiện" vượt qua. Đối với những DN không thể có nguồn lực nên kết thúc sớm để tránh ảnh hưởng uy tín cá nhân, cũng như các vấn đề khác. Ai vượt qua được đại dịch sẽ là người thành công" - ông Nguyễn Xuân Phú khẳng định.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Phú, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, lúc này chỉ có thể xem xét đánh giá lại thực trạng của DN, thách thức và cơ hội, chủ động tìm giải pháp phù hợp với từng đơn vị. Không có cơ hội tạo doanh số thì chọn phương án... ngủ Đông. Nghĩa là, tạm không hoạt động để giảm chi phí, mức lỗ thấp nhất có thể. Vẫn có cơ hội kinh doanh thì tìm giải pháp để duy trì hoạt động, tối ưu chi phí, tối ưu nguồn lực tùy thuộc vào DN.
Cầm cự giữ cửa thoátBàn sâu hơn về kịch bản để có phương án chủ động vượt khó, theo ông Nguyễn Xuân Phú nên chia rõ những loại hình DN. Thứ nhất, DN nhỏ và không còn đủ nguồn lực kinh doanh trong mùa dịch nên tính toán lại khả năng "cầm cự" để co cụm lại, thậm chí phải rút bớt người. Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn đóng cửa. DN có thể làm lại từ đầu sau khi hết dịch, chứ không nên “nợ nần” để rồi hoạt động lay lắt, ngày nào cũng có nợ tìm đến. “Chỉ đi vay số tiền bằng số tiền mà người khác đang nợ mình, đó là giữ cho mình một cửa thoát” -ông Nguyễn Xuân Phú bật mí.
|
Công nhân trong dây chuyền sản xuất chảo của SUNHOUSE vừa thực hiện nghiêm phòng, chống Covid-19, vừa nỗ lực sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh |
Thứ hai, DN nhỏ nhưng đâu đó vẫn còn nguồn lực để vượt qua đại dịch sẽ mở ra cơ hội rất lớn khi các nhu cầu của người dân ồ ạt quay trở lại. Vì thế, hoạt động trong dịch có thể cầm chừng nhưng nên chuẩn bị sẵn hàng hóa, dịch vụ, phương án để đón sóng cơ hội, chớp thời cơ đi thật nhanh. Cuối cùng, DN gặp thuận lợi trong mùa dịch nên tận dụng thời cơ để xây dựng thương hiệu, sự uy tín và gắn bó của khách hàng. Đây là số ít những DN vẫn phát triển ổn định. Ngoài ra, không nên chỉ vì "thu hoạch" lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội và hình ảnh trong tương lai.
Đối với các chính sách hỗ trợ cho DN, Shark Phú cũng khẳng định đây là việc làm đúng đắn và cần thiết mà Chính phủ đưa ra nhằm giúp DN có thể giảm tổn thất phần nào và có thể vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có không ít DN phản ánh, vẫn còn nhiều khó khăn để DN có thể tiếp cận được gói hỗ trợ, nhất là với các startup, các DNNVV, siêu nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nguyên do các đơn vị, cơ quan quản lý tại địa phương chưa thực sự vì DN, nếu đồng hành thì rất dễ xử lý.
"Trong nguy có cơ, trong cơ có nguy. Cần tận dụng mọi nguồn lực nội tại để tồn tại và bứt phá. Quan trọng hơn là phải có sự chủ động từ sớm, chứ không phải khi có khủng hoảng mới nghĩ đến." - Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy
"Để giúp DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ, về phía DN có thể tổng hợp các hồ sơ, cũng như các yêu cầu hỗ trợ gửi cho Hiệp hội. Hanoisme sẵn sàng tư vấn giúp DN hoàn thành các hồ sơ cho đúng theo yêu cầu, hướng dẫn, Hiệp hội cũng sẵn sàng đối thoại với các cơ quan quản lý để thúc đẩy gói hỗ trợ đến với DN một cách nhanh nhất..."- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh
"Để thành công vượt qua dịch bệnh, DN cần phải chủ động, tránh việc trông chờ vào sự hỗ trợ bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhà nước lo cho người dân đã vất vả lắm rồi."- Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú |