Tiếp sức kịp thời
Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn từ dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị thế giới… khiến DN trải qua một giai đoạn khó khăn chưa từng có. Để tạo điều kiện cho DN phục hồi, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách về tài khóa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Qua đó đã giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao, trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế. Mong mỏi của DN, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn.
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia
Có thể kể tới một số chính sách thiết thực như: Hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135.000 tỷ đồng. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quyết định giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2022 với số tiền lên tới 3.500 tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí.
Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Khu vực DN vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Niềm tin của các nhà đầu tư và DN tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.
Đánh giá về hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN trong thời gian qua, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết chia sẻ: DN đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất giảm 2 - 3%/năm với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới. DN chuyên sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cho đối tác Đài Loan (Trung Quốc), hợp tác với DN Nhật Bản để cung ứng hàng nên DN cần cải tổ quản trị, sản xuất, đẩy mạnh công nghệ và nghiên cứu.
Những việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn để thực hiện, do vậy mức hỗ trợ 2 - 3% lãi suất là động lực, nguồn hỗ trợ kịp thời để DN có thể chi trả các khoản như tiền lương người lao động, bù đắp các chi phí khác. Cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tài khóa của Chính phủ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt Bùi Thế Duy cho biết: Trong 2 năm qua, nếu không nhờ dòng vốn vay của ngân hàng kịp thời thì công ty có thể đã phải giải thể.
Đánh giá cao tính hiệu quả, kịp thời của các chính sách hỗ trợ DN, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, những biện pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… đều hướng tới giảm chi phí cho DN trong bối cảnh khó khăn.
Các chính sách này đã có tác dụng kép, vừa kịp thời hỗ trợ người dân, DN, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng các khoản hỗ trợ, các chính sách được đánh giá là dễ tiếp cận, góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho DN, đồng thời tạo điều kiện cho DN có nguồn lực tài chính để sản xuất, quay vòng vốn, cũng như thanh toán các đầu vào khác.
Tiếp tục hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đã cho thấy nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN và chính quyền các tỉnh, TP trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các DN trong và ngoài nước tiếp tục có trải nghiệm tích cực về sự thay đổi cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian và cải thiện chi phí không chính thức của chính quyền các địa phương Việt Nam.
Kết quả khảo sát mức độ lạc quan của DN tư nhân trong nước sau đại dịch Covid-19 tăng nhẹ, với khoảng 35% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới so với mức 34% của năm 2021. Tuy nhiên, phần lớn DN cho biết vẫn phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường…
TS Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, chính sách tài khóa đóng góp rất quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình phục hồi được đánh giá là nhanh, kịp thời. Do đó, việc Quốc hội, Chính phủ tiếp tục gia hạn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ người dân và DN là hoàn toàn đúng đắn.
Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro nhằm thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường.
Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết kiến nghị: “Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là rất tốt, song việc thực hiện ở các khâu phía dưới cũng cần thông thoáng hơn, tránh rơi vào tình trạng như nhiều chính sách hỗ trợ thuế đất, lãi suất trước đó, DN rất khó tiếp cận. Nhất là DN nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không có nhiều, trong khi đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, kinh tế toàn cầu.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu DN; 8.000 – 10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Khu vực DN đóng góp khoảng 65 – 70% GDP cả nước, khoảng 30 – 35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 – 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Khoảng 35 – 40% tổng số DN có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
Hiện nay hầu hết các chính sách hỗ trợ DN thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
TS Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)