Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Việt - nghĩ lớn để đạt thành công lớn

Luật sư Hà Huy Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, thế giới chứng kiến những nỗ lực của Vinfast - DN sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Đây là một dấu mốc lớn có tính biểu tượng của DN Việt trên lộ trình ra biển lớn, nhưng Vinfast không phải là DN đầu tiên của Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Trước đó và hiện tại có hàng trăm DN Việt Nam đang đầu tư ra nước ngoài và đạt những thành tựu to lớn.

Biển lớn, cơ hội lớn

Theo một công bố của Viettel Global, năm 2023, DN này tiếp tục khẳng định là DN top đầu trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài thu hồi vốn lớn nhất tại Việt Nam; với dòng tiền thu về từ các thị trường quý III đạt 2.860 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5.000 tỷ. Đầu tháng 12/2023, FPT cũng đã công bố việc cán mốc 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.

Bên cạnh Viettel, FPT, còn có rất nhiều DN khác như: Vinamilk, Tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG)… có các hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đạt những kết quả kinh doanh thuận lợi.

Ngoài các DN đầu tư ra nước ngoài, đang có hàng nghìn DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và có giao thương ở nước ngoài, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, góp phần mang hàng hóa và thương hiệu Việt đến với các thị trường khắp năm châu.

Cửa hàng VinFast Store tại Mỹ. Ảnh: VinFast
Cửa hàng VinFast Store tại Mỹ. Ảnh: VinFast

Theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 có 84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,8 triệu USD, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 416,8 triệu USD. Về kim ngạch xuất khẩu, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD.

Những số liệu này đã chỉ ra một hiện trạng rằng, DN Việt Nam đang có sức mạnh xuất khẩu hàng hóa hơn là đầu tư vốn ra nước ngoài. Số liệu thu nhập ròng thu hút từ nước ngoài thông qua đầu tư vốn còn rất khiêm tốn. Tuy vậy, những con số thống kê cũng đã cho chúng ta thấy được một bức tranh rất khác, DN Việt Nam không còn ở giai đoạn cắm cờ mà việc đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài đã có những tiền lệ tốt. Những lối mòn nhỏ nay đang được mở rộng thành những đại lộ hai chiều để làm phẳng hơn biên giới kinh tế giữa Việt Nam và thế giới.

DN Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội rất lớn đến từ thời thế. Tính đến tháng 10/2023, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán.

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế. Đây là những cơ hội về mặt vỹ mô bảo đảm hành lang pháp lý và điều kiện đối xử công bằng để DN và hàng hóa của Việt Nam có thể vươn khơi ra thị trường quốc tế.

Khắc phục hạn chế “khó lớn”, vươn vai đứng dậy

Trong năm 2023, Việt Nam cũng đón nhiều vị nguyên thủ nước ngoài tới thăm, như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; và tháp tùng những chuyến thăm này là hàng trăm DN lớn với những kế hoạch đầu tư, kinh doanh rất giá trị. Chắc chắn rằng, sau những chuyến thăm như vậy, các hoạt động kinh tế sẽ trở nên sôi động hơn và mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng giữa một số nền kinh tế lớn một mặt cũng mang lại cơ hội cho thị trường Việt Nam, với sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư và các nhà máy lựa chọn Việt Nam làm điểm dừng chân mới, kéo theo hàng nghìn DN sản xuất hàng phụ trợ, cùng cơ hội kinh doanh khác.

Thực trạng và cơ hội như vậy chỉ ra rằng, DN Việt đang có sự hội tụ đủ cả về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để “vươn vai” đứng dậy, chủ động tham gia sâu rộng và có hiệu quả vào nền kinh tế quốc tế, không chỉ là để thu hút doanh thu, lợi nhuận mà còn để khẳng định bản lĩnh, sức mạnh, khả năng chống chịu và khát vọng của dân tộc Việt. Vấn đề lớn nhất của chúng ta đang nằm trong tay chính chúng ta, đó là việc tự hoàn thiện bản thân mình.

Hơn 97% DN Việt Nam hiện nay thuộc nhóm DN vừa và nhỏ, với tiềm lực tài chính yếu, dễ bị tổn thương trước các biến động của thị trường, sức cạnh tranh với đối thủ quốc tế không cao.

Nhưng nhược điểm lớn nhất của đa phần DN vừa và nhỏ nằm ở yếu tố nhận thức và tính chủ động chưa tốt. Một bộ phận DN vẫn còn mang tư tưởng ăn xổi, làm ăn chộp giật và thiếu những tính toán chiến lược, dài hơi, dẫn tới sự thiếu đầu tư đồng bộ cả về con người và nguồn lực tài chính.

Những DN này còn thiếu chủ động trong việc khai mở cơ hội, nâng cao nhận thức và năng lực, tầm nhìn để tiến xa hơn. Các vấn đề về văn hóa kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật đang bị xem nhẹ và chưa được đầu tư đúng mực. Tư tưởng kinh doanh dựa trên quan hệ vẫn còn là căn bệnh thâm căn cố đế, thay vì dựa trên nguyên tắc và hoạch định kế hoạch, và đây là căn nguyên dẫn tới những sự cầm chừng, rụt rè trong hoạt động của DN thời gian qua.

Có những yếu tố bên ngoài khiến DN Việt khó lớn, như sự thiếu trưởng thành của các yếu tố của nền kinh tế thị trường, trong đó khuôn khổ chính sách và pháp luật còn thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả; sự can thiệp của quản lý hành chính vào các hoạt động kinh tế của thị trường còn phổ biến là những tác nhân chính.

Tình trạng quan liêu, tiêu cực đến từ một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý Nhà nước dẫn tới tình trạng DN không dám mạnh dạn đầu tư dài hơi và bài bản; và những tiêu cực đó cũng bị chuyển hóa thành các tiêu cực trong chính DN theo các hiệu ứng dây chuyền và liên kết. Bên cạnh đó, DN Việt Nam chịu nhiều bất lợi so với DN ở nhiều nước khác về chi phí vốn cao, điều kiện vay vốn khó khăn, thời gian vay vốn ngắn dẫn tới gặp nhiều khó khăn khi tính toán phương án tài chính và lập kế hoạch kinh doanh.

Nhìn nhận một cách khách quan, thực trạng nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi và khởi sắc theo từng năm. Một Việt Nam hiện tại đã có sự chuyển mình và tiến hóa vượt bậc so với những năm trước. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã nhận ra những tồn tại và đang nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng DN gỡ khó liên tục trong thời gian qua.

Trong cuốn cuốn sách "Nghĩ lớn để thành công" của Donald Trump và Bill Zanker, các tác giả đã viết "Dù làm việc gì thì bạn cũng nên suy nghĩ lớn. Đó chính là động lực đã làm nên tất cả những thành tựu vĩ đại nhất của cuộc sống hiện đại, từ các tòa cao ốc chọc trời đến những khám phá đáng kinh ngạc về khoa học, công nghệ, y học, hay tới những thành tựu to lớn trong lĩnh vực công nghiệp và quân sự. Suy nghĩ lớn cũng tạo ra những mối quan hệ thân thiết và bền vững", "suy nghĩ lớn chính là đòn bẩy mà bạn cần có để nhận được thù lao xứng đáng với công sức bạn đã bỏ ra", và "phải thừa nhận rằng việc suy nghĩ lớn đôi khi cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với những thất bại lớn".

Những dòng viết trên đây có lẽ là tư tưởng cần áp dụng ngay vào từng DN Việt Nam hiện nay. Muốn thành công lớn, không thể không suy nghĩ lớn, cho dù suy nghĩ lớn cũng có thể phải đối mặt với những thất bại lớn. Đó là những suy nghĩ của các doanh nhân và phù hợp với tính chất của nhiều hoạt động kinh doanh hiện nay.