Có được kết quả này là nhờ Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ đổi mới cơ sở y tế, củng cố niềm tin nơi người bệnh. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, đòi hỏi ngành y tế tiếp tục đổi mới hơn thời gian tới.
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV, diện mạo của các BV trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi rõ rệt, được Nhân dân công nhận, ủng hộ. Thời gian qua, các BV đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu vào điều trị; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tích cực chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Minh chứng điển hình cho thấy, đến nay, các BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang… đã số hóa các quy trình khám, chữa bệnh (KCB) như KCB sử dụng thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử VNeID; KCB sử dụng sinh trắc học; Ki-ốt tự phục vụ; thực hiện nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở KCB; tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID…
Các BV triển khai đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ khoảng 80% tổng số thanh toán, giúp giảm thiểu thủ tục thanh toán, tiết kiệm thời gian.
Mặt khác, một số BV triển khai lắp đặt thêm cây tiếp đón thông minh phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện và giảm tình trạng ùn ứ cục bộ thời gian đầu giờ khám bệnh. Quá trình thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh nhân, tiết kiệm thời gian cho người bệnh. Đặc biệt, quy trình cấp phát thuốc thông minh được các BV cải tiến mạnh mẽ nhằm giảm sai sót, giảm quá tải, giúp việc chuẩn bị thuốc có thể bắt đầu ngay sau khi có đơn thuốc từ phòng khám.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhận định, các BV đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng KCB, thực hiện tốt Bộ tiêu chí chất lượng BV theo quy định của Bộ Y tế. Đích đến của cải tiến chất lượng BV là sự hài lòng của người bệnh. Do đó, các BV cần triển khai liên tục, kết hợp phân tích, đánh giá hiệu quả thường xuyên để xác định các vấn đề cần tập trung cải tiến chất lượng BV.
Các ý kiến đóng góp của người bệnh cần được tiếp thu và sử dụng kết quả khảo sát để đánh giá, phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường sự hài lòng của người dân và bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Từ góp ý của người bệnh, các BV xây dựng văn hóa chất lượng BV. Một số ý kiến cho rằng, việc nâng cao chất lượng BV phải thực chất và từ nội lực của BV, có như vậy mới không có hiện tượng "tô hồng" báo cáo hay làm chất lượng một cách đối phó và hời hợt, nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như nhà vệ sinh, lối đi, điện nước… trong BV, đến những cải tiến sâu hơn về chuyên môn kỹ thuật.
Thiết nghĩ, để làm tốt công tác chất lượng BV, ngoài thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng BV, các BV cần bám sát các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Việc cải tiến chất lượng BV có thành công hay không phải từ lãnh đạo. Việc triển khai quản lý chất lượng phải chuyên nghiệp, bài bản và thực chất. Ngành y tế phải thực hiện công tác cải tiến chất lượng một cách hệ thống, khoa học và toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động. Có như vậy, công tác cải tiến chất lượng BV mới bền vững, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân.