Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng quản lý

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc gần 3.000 tấn giá đỗ ủ hoạt chất 6-Benzylaminopurine (được gọi là “nước kẹo”) đã tuồn ra thị trường trong năm 2024 đang gây hoang mang dư luận, bức xúc cho người tiêu dùng.

Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hổng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, cũng như cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng trong chuỗi cung ứng.

Vụ việc được phát hiện ở Đắk Lắk khi có 6 cơ sở sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine - một loại chất cấm dùng trong thực phẩm (ăn nhiều có thể tử vong) để sản xuất giá đỗ. Thời điểm kiểm tra, đơn vị chức năng thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ đã ngâm chất cấm và 135 lít “nước kẹo”; kết quả điều tra, trong năm 2024, 6 cơ sở trên tuồn ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất. Ngoài cung cấp lẻ cho các đại lý ở chợ đầu mối, cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho Bách hóa Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ mỗi ngày. Điều đáng nói, trên bao bì giá đỗ được ngâm hóa chất đều in dòng chữ “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”. Bản thân người sản xuất cũng biết sự độc hại nguy hiểm của chất cấm này, nhưng vì lợi nhuận vẫn làm để bán rộng rãi ra thị trường. Còn cơ sở sản xuất vẫn "điềm nhiên" được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Và khi gần 3.000 tấn giá đỗ ngậm hóa chất độc hại được tuồn ra thị trường, thậm chí đi vào Bách hóa Xanh bị vỡ lở, Cục quản lý thị trường, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắc Lắk đều cho rằng vụ việc "không thuộc quản lý" của đơn vị mình.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đăk Lăk thì cho biết, khi cấp phép, họ kiểm tra điều kiện sản xuất ban đầu, nếu bảo đảm sẽ cấp giấy chứng nhận; nhưng việc giám sát hàng ngày chưa có quy chế và quy định. Thực ra, không có cơ quan nào có thể bảo đảm việc hành xử hàng ngày của các cơ sở sản xuất, bởi nguồn nhân lực và tài lực đều có giới hạn. Quan trọng là cơ quan quản lý phải có hành động để các cơ sở sản xuất ý thức được rằng họ sẽ bị kiểm tra bất kỳ lúc nào và nếu sai phạm sẽ bị phạt nặng, hoặc khởi tố.

Hàng ngày, hàng trăm tấn thực phẩm (rau, củ, quả, thịt, cá, hải sản... ) có nguy cơ nhiễm hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng, kháng sinh vượt ngưỡng đang được lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn sử dụng những phương pháp trái phép để tăng năng suất hoặc cải thiện hình thức sản phẩm. Điều này không chỉ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm xói mòn lòng tin vào các hệ thống phân phối lớn.

Với một thị trường tiêu thụ khổng lồ tại các TP lớn như hiện nay, những biện pháp kiểm tra hiện tại, dù đã có hiệu quả nhất định, vẫn chưa đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin của người tiêu dùng. Cần nhấn mạnh rằng, bài toán kiểm soát an toàn thực phẩm không thể chỉ giải quyết ở khâu cuối cùng mà cần bắt đầu từ nguồn gốc sản phẩm, an toàn ngay từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến đóng gói thành phẩm và bán ra thị trường tới tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, sự phối hợp kiểm soát giữa các tỉnh, thành trong cung cấp thực phẩm là điều kiện tiên quyết để xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn, minh bạch. Chính quyền và DN cần chung tay thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn, từ hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện đại, kiểm tra ngẫu nhiên định kỳ, đến chế tài nghiêm khắc với những hành vi vi phạm. Chỉ có như vậy, công tác quản lý an toàn thực phẩm mới đạt hiệu quả thực chất, vì sức khỏe của người dân, vì chất lượng sống và tương lai bền vững của cả xã hội.