Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đời sống văn hóa tại các khu đô thị: Chưa đồng đều, thiếu bền vững

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, việc triển khai xây dựng đời sống văn hóa tại các khu đô thị ở Hà Nội đã góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân. Tuy nhiên theo các chuyên gia, văn hoá ứng xử ở các khu đô thị chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững.

Hình thành văn hoá đô thị

Từ năm 1996, 7 dự án khu đô thị ở Hà Nội lần lượt được khởi công xây dựng là: Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Yên Hòa, Định Công, Linh Đàm, Đại Kim và Sài Đồng.

Đến nay, các khu đô thị không ngừng được xây dựng tại Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cũng như nâng cao chất lượng sống của người dân. Trải quan hàng chục năm, các khu đô thị đã làm thay đổi diện mạo của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Người dân chung cư khu vực Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) treo cờ Tổ quốc dịp 30/4. Ảnh: Hoàng Quân
Người dân chung cư khu vực Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) treo cờ Tổ quốc dịp 30/4. Ảnh: Hoàng Quân

Trong thời gian qua, xây dựng đời sống văn hóa tại các khu đô thị ở Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân. Những kết quả này cũng góp phần quan trọng làm người dân phấn khởi, cùng nhau giữ gìn và phát triển đời sống văn hóa ở các khu đô thị.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện tại các khu đô thị gắn với việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Triển khai quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, các cấp chính quyền đã vào cuộc, tạo nên sự chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư.

Đời sống văn hóa của dân cư tại các khu đô thị ngày càng phong phú. Các hoạt động văn hóa quần chúng phát triển. Tại các khu đô thị đều có các câu lạc bộ thơ, văn nghệ, thể thao với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, cuốn hút được người dân trong khu đô thị cùng tham gia.

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo tại các khu đô thị.

Có thể kể đến các mô hình như: Mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; mô hình tổ dân phố không có tệ nạn xã hội, môi trường sạch, đẹp; mô hình tổ dân phố “5 không” (không rác, không có người vi phạm pháp luật; không để xảy ra trường hợp cháy nổ; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng); mô hình cầu thang văn hóa, mô hình liên gia tự quản.

Nhiều bất cập

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, việc xây dựng đời sống văn hóa tại các khu đô thị ở Hà Nội cũng còn nhiều điểm bất cập. Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu: Nhận thức của các chủ thể liên quan đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu đô thị (chính quyền, chủ đầu tư, ban quản trị các khu đô thị, người dân) chưa đồng đều, dẫn đến thái độ và hành động không thống nhất.

 Bên cạnh những tiện ích, cũng rất nhiều mặt trái về văn hóa chung cư dần bộc lộ.
 Bên cạnh những tiện ích, cũng rất nhiều mặt trái về văn hóa chung cư dần bộc lộ.

Việc xây dựng, phát triển các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các khu đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ.

Nhiều thiết chế văn hóa ở các khu đô thị chưa được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Kết quả triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các khu đô thị một số nơi chưa đi vào thực chất, còn nặng về tuyên truyền, hình thức.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại các khu đô thị chưa đạt kết quả như mong muốn. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng ở các khu thị chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững.

Đặt lên cán cân giữa phát triển văn hoá và lợi ích kinh tế trong các khu đô thị, theo KTS Phạm Thanh Tùng: Khi xây nhà phải quan tâm đến việc người ta sẽ sống trong đó như thế nào. Không chỉ có yếu tố tiện nghi, vật chất, mà còn phải là lối sống, văn hóa sống.

"Một thí dụ, quan sát kiến trúc nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, tôi có cảm giác “Tây” quá, “quốc tế hóa” nhiều quá…  Tôi thấy nhiều khu nhà như nhân bản, na ná nhau. Đây là câu chuyện rất đáng để các chủ đầu tư, các kiến trúc sư suy ngẫm. Nhà đầu tư có tư duy văn hóa sẽ khác với ông chủ xây dựng chỉ bán và thu tiền” – KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.         

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dân tới thực trạng trên là do uy mô các khu đô thị hiện nay khá lớn, tập trung đông dân cư; chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu đô thị; phương thức quản lý văn hóa ở khu đô thị mới chưa thực sự phù hợp, chủ yếu tập trung vào quản lý nhân khẩu; nhận thức, nhu cầu văn hoá khác nhau.

Vì vậy, để xây dựng đời sống văn hoá trong khu đô thị, bên cạnh việc tuyên truyền, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội cần nâng cao chất lượng và lan tỏa mạnh mẽ các mô hình văn hóa đã thành công tại các khu đô thị, gắn với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP.

Cùng với đó, xây dựng khung chương trình tổ chức các hoạt động đối với các thiết chế văn hóa cơ sở, trọng tâm là nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi ở các tổ dân phố, khu chung cư tại khu đô thị. Phát huy hiệu quả của các quy ước và các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại các khu đô thị.