Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án môi trường là "trọng điểm của trọng điểm" với Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rác thải, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề khiến cử tri Đà Nẵng hết sức bức xúc, lo ngại. Chính quyền TP đang vào cuộc tích cực để giải quyết vấn đề này và xác xác định những dự án môi trường là "trọng điểm của trọng điểm".

Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn
Tại chương trình HĐND với cử tri lần thứ 5 diễn ra sáng 15/5, nhiều cử tri Đà Nẵng trăn trở, bức xúc về vấn đề môi trường, rác thải. “Điểm nóng” ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn được cử tri cũng như các đại biểu nêu lên và đặt nhiều câu hỏi đến lãnh đạo TP.
Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng.
Cử tri Nguyễn Tựa (quận Liên Chiểu) nêu: Ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn khiến dân bức xúc, chặn xe chở rác vào bãi. TP đã đối thoại với dân và đưa ra nhiều cam kết. Vậy TP có di dời hoặc đóng cửa bãi rác Khánh Sơn hay không?
Nhiều cử tri khác bức xúc, nêu thực trạng sau mưa lại ngập rác ở một số khu vực, hay tình trạng thu gom rác nhếch nhác trên toàn TP. Trong khi đó, đại biểu đến từ HĐND TP Đà Nẵng đặt câu hỏi về tiến độ hoàn thành khu xử lý rác thải rắn TP và giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Giám đốc Sở TM&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận: “Ô nhiễm môi trường ở khu vực bãi rác Khánh Sơn hết sức khó khăn, đã diễn ra hơn 10 năm qua”.
Ông Hùng thông tin thêm: Đến nay, bãi rác Khánh Sơn đã tiếp nhận hơn 3,2 triệu tấn rác. Bình quân mỗi ngày người dân TP Đà Nẵng xả ra hơn 1.000 tấn rác. Vì thế, nếu không trang bị kịp thời thì đến tháng 9/2019, bãi rác Khánh Sơn không chịu đựng được nữa, hết chỗ chứa.
Từ thực tế trên, ông Tô Văn Hùng khẳng định: "TP xác định những dự án môi trường là trọng điểm của trọng điểm!".
Theo người đứng đầu Sở TN&MT Đà Nẵng, tình trạng ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn đã được kiểm soát nhờ tăng cường những giải pháp xử lý tạm thời. Còn để đảm bảo bãi rác Khánh Sơn vẫn tiếp tục hoạt động từ thời điểm sau tháng 9/2019, TP đang đầu tư mở rộng hộc số 6, đồng thời nghiên cứu đầu tư hộc chôn lấp số 7.
Hơn 300 lao động đang mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn.
Trả lời câu hỏi bao giờ di dời bãi rác Khánh Sơn của cử tri, ông Tô Văn Hùng đặt vấn đề: “Đóng cửa có khắc phục được bãi rác Khánh Sơn hay không? Chúng ta di dời 3,2 triệu tấn rác đi đâu nếu đóng cửa bãi rác? Vì thế, TP có cách tiếp cận khác vấn đề bãi rác Khánh Sơn, đó là nâng cấp lên khu liên hợp xử lý rác hiện đại, đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại. TP đã thống nhất đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải mới hiện đại. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì năm 2020, nhà máy này sẽ hoàn thành”.
Với cách tiếp cận trên, ông Tô Văn Hùng cho rằng cần tính toán di dời những hộ dân nằm trong vùng ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn. Từ đó, dành quỹ đất sạch kêu gọi những nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần tính toán sớm chuyển đổi nghề nghiệp của hơn 300 lao động đang hành nghề nhặt rác ở Khánh Sơn.
Ông Hùng cho biết thêm, đến năm 2023, Đà Nẵng sẽ có 2 nhà máy đốt rác, trong đó có 1 nhà máy đốt rác thải y tế.
Một điểm tập kết rác ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Bất cập hiện nay là hạ tầng
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, tình hình thu gom rác thải trong khu dân cư rất nhếch nhác. Đà Nẵng là TP môi trường, TP đáng sống mà ngập rác, ô nhiễm như thế coi sao được!
Ông Tô Văn Hùng cho hay: Trách nhiệm liên quan đến tất cả những vấn đề ô nhiễm là của Giám đốc Sở TN&MT. TP còn giao cho sở TN&MT việc nghiên cứu, chủ đầu tư các dự án thu gom xử lý rác thải. Tuy nhiên, cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các sở ngành liên quan.
Về tồn tại trong khâu thu gom rác của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, ông Hùng cho biết, qua giám sát có quá nhiều tồn tại, bất cập. “Từ năm 2015 đến 2019, công ty tăng công nhân chỉ 30%, trong khi đó TP trong chừng ấy thời gian phát triển như thế nào?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Một tồn tại nữa theo Giám đốc Sở TN&MT là toàn TP chỉ còn 5 điểm trung chuyển rác dẫn đến tình trạng thu gom nhếch nhác. Ngoài ra, việc bỏ đề án thu gom rác theo giờ đã khiến công tác thu gom không hệ thống, không logic. TP đang nghiên cứu phải áp dụng lại giải pháp này.
Nước thải đen ngòm chảy ra biển Đà Nẵng.
Tình trạng nước xả thải gây ô nhiễm dọc các tuyến bờ biển cũng được cử tri và đại biểu HĐND nêu lên tại buổi tiếp xúc. Cử tri Nguyễn Quang Nga phản ánh hệ thống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành hỏng, và cho rằng TP chưa đầu tư đúng mức cho hạ tầng.
Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận: Theo quy hoạch, tất cả cửa xả thải đều đổ ra biển. Năm 2007, Đà Nẵng đầu tư một hệ thống thu gom nước thải, nhưng đến nay sự thay đổi của đô thị quá lớn, chưa kịp đầu tư nên không thể tránh khỏi tình trạng nước tràn qua cửa xả đổ ra biển khi trời mưa lớn. “Bất cập hiện nay là hạ tầng”, ông Hùng nói.
Để giải quyết tình trạng trên, bên cạnh đầu tư dự án cải thiện môi trường, Đà Nẵng sẽ có một đợt tổng ra quân rà soát lại hệ thống khách sạn, nhà hàng, quán nhậu ven biển vi phạm xả thải để xử lý và xử phạt nghiêm minh.