Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Nhưng chừng nào lỗ hổng pháp lý chưa được lấp đầy, người tiêu dùng chưa mạnh dạn lên tiếng thì quyền người tiêu dùng còn bị xâm phạm.
Theo đánh giá của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa thực sự quan tâm, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều trường hợp khi nghi ngờ, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về kinh doanh nhưng vì ngại va chạm, sợ mất thời gian mà “nhắm mắt cho qua”. Điều này không chỉ làm mất đi quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dung túng cho hành vi gian lận thương mại.
Đáng nói, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh như vũ bão khiến quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, thậm chí không ít người tiêu dùng phải hứng chịu thiệt thòi, rủi ro bởi muôn kiểu hành vi gian lận, trục lợi hoành hành. Mặt khác, việc Việt Nam chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng đang tạo ra lỗ hổng pháp lý cần sớm được lấp đầy.
Tại lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 mới đây, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa định vị được vị trí trong quan hệ với các luật chuyên ngành, cũng như chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị bổ sung hành vi bị cấm (tiếp thị trái với ý muốn của người tiêu dùng, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ; không đền bù, đổi trả sản phẩm cho người tiêu dùng...) để tăng cường hiệu lực của pháp luật.
Song song đó, ngành công thương phối hợp cùng các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, DN nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Cùng với đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng nhái, hàng kém chất lượng, hành vi gian lận thương mại, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn" của Ngày Quyền của người tiêu dùng năm nay cũng đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước. Trong đó chú trọng đến an toàn và minh bạch thông tin cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia ngày nay.
Tuy nhiên, điều mà hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam mong mỏi hơn bao giờ hết là Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ sớm được Quốc hội xem xét, thông qua và đạt hiệu quả thực thi phù hợp với thực tế phát triển của xã hội.
Như vậy, cùng với hoàn thiện về chính sách, mỗi người dân cần có kiến thức để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp, đồng thời phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi gian lận thương mại để chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình.